Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp

(SHTT) - Đánh giá về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước trong thời gian qua, ông Đàm Thanh Thế cho biết vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.

Chiều 24/10, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), tổ chức họp báo Chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng đầu năm 2019.

Đánh giá về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước trong thời gian qua, ông Đàm Thanh Thế cho biết vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.

Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam”… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sach nhà nước , ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

 

Cụ thể trên 11 tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, do đường biên giới trải dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, nên các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với nhiều chủng loại hàng khác nhau.

Cụ thể, tuyến biên giới phía Bắc mà trọng điểm là địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang,... lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng vận chuyển trái phép các mặt hàng, như: Hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đồ điện tử,...

“Dù chưa đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng vận chuyển trái phép, tàng trữ mặt hàng pháo nổ đang diễn ra phức tạp” – ông Thế nói và cho biết điển hình như tại Lạng Sơn, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ gần 13 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới để vào nội địa tiêu thụ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp NSNN đạt 12,3 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44%so với cùng kỳ 2018).

Cũng tại buổi họp báo, khi được báo chí hỏi thông tin về kết quả kiểm tra Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, ông Nguyễn Văn Ba, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cho biết, dựa trên căn cứ thu thập được, Tổng cục Hải quan đã xác định 2 dấu hiệu vi phạm của công ty Asanzo. Đó là công ty này có dấu hiệu vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và trốn thuế.

Tổng cục Hải quan sẽ có cuộc họp báo riêng về vụ này, để công bố những chứng cứ, tài liệu và số liệu chính xác, đầy đủ hơn. 

“Dự kiến tuần tới, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành với các bộ, ngành chức năng liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…để thống nhất, hoàn thiện báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia”, ông Nguyễn Văn Ba cho biết.

Loan Hoàng