Tại sao xe tăng hiện đại lại toàn dùng pháo nòng trơn?

Từ khi pháo được phát minh ra nó đã có nòng \"trơn tuột\", với loại pháo này, viên đạn khi ra khỏi nòng sẽ có độ rung lắc lớn, bay không chuẩn xác và thậm chí còn... lộn ngược, đập thành hoặc đập đít vào mục tiêu chứ không đâm mũi vào mục tiêu do nó không giữ được trạng thái ổn định khi bay. 

Nghiên cứu lịch sử phát triển súng, pháo cho thấy thoạt kỳ thủy, các loại súng pháo đều có nòng trơn. Sự ra đời của nòng pháo có rãnh xoắn là một bước tiến bộ lớn, một phát minh làm thay đổi ngành quân sự thế giới có thể khắc phục các nhược điểm của pháo nòng trơn.

Vậy tại sao ngày nay các xe tăng xịn lại sử dụng pháo nòng trơn?

Nguyên nhân của điều này cũng lại bắt nguồn từ những nhược điểm của nòng pháo rãnh xoắn. Quả đạn đi ra khỏi pháo có rãnh khương tuyến có sự ổn định, nhưng khi bay thì viên đạn sẽ phải mất đi một phần động năng chuyển hóa thành "độ xoáy", điều đó dẫn đến một hệ quả rất lớn đó là tốc độ bay giảm, gia tốc không cao, cự ly bắn bị rút ngắn,...

Với các loại đạn xuyên phá ngày nay, gia tốc đầu đạn là điều tối quan trọng để nó có thể bắn xuyên được mục tiêu, để tăng tối đa gia tốc cho viên đạn người ta đã quay lại sử dụng pháo nòng trơn. Để triệt tiêu được độ rung lắc, ổn định được đường bay của viên đạn hóa ra lại rất đơn giản, chỉ cần lắp cánh đuôi cho viên đạn là xong. 

Theo đó, các viên đạn xuyên phá ngày nay sẽ sử dụng các cánh đuôi để tự tạo độ xoắn, xoay tròn quanh mình trong lúc bay, từ đó sẽ tự ổn định được quỹ đạo mà không cần phải tạo độ xoắn thông qua các đường khương tuyến trong nòng nữa, chính điều đó sẽ khiến các viên đạn này bay được xa hơn, có gia tốc lớn hơn giúp nó xuyên thủng được các mục tiêu dày như lô cốt, boong-ke hay các thiết giáp của đối phương.

Chính sự ra đời của các loại đạn xuyên phá có cánh đuôi đã khiến cho pháo có nòng khương tuyến dần dần bị thất sủng. Thực tế thì để sản xuất ra nòng khương tuyến tốn rất nhiều thời gian và công sức, chưa kể các đường khương tuyến này sẽ mòn dần và khẩu pháo sẽ vô dụng sau một thời gian sử dụng dẫn đến việc bảo dưỡng, thay mới rất tốn kém. 

Với pháo nòng trơn, sơ tốc đầu đạn có thể tăng lên từ 1,2 tới 1,5 lần do ma sát giữa nòng pháo và viên đạn bị giảm đi đáng kể giúp tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Hơn nữa nòng trơn lại có chi phí sản xuất rẻ hơn rất nhiều so với nòng khương tuyến, độ bền cao hơn và ít phải bảo dưỡng. 

Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng tốt được trên các loại vũ khí có cỡ nòng lớn, các cỡ nòng từ 100 trở xuống thường không được chế tạo theo kiểu nòng trơn vì việc chế tạo cánh đuôi cho các loại đạn cỡ nhỏ là rất lãng phí, tốn kém, chưa kể trong quá trình vận chuyển có thể dẫn tới hỏng hóc, méo móp cánh đuôi khiến chất lượng viên đạn bị ảnh hưởng khi sử dụng. 

Một viên đạn xuyên phá bay trong không khí, phần vỏ bọc bên ngoài chỉ có tác dụng giúp viên đạn ổn định quỹ đạo ra đến đầu nòng súng, từ khi thoát ra khỏi đầu nòng súng phần vỏ sẽ tự rơi ra, cánh đuôi giúp viên đạn tự xoay quanh mình, nhược điểm lớn nhất của loại đạn này đó là nếu có gió tạt ngang thì độ hính xác của nó sẽ giảm đi đáng kể do gió tạt sẽ tác động lực trực tiếp vào hệ thống cánh đuôi khiến đầu đạn bay lệch quỹ đạo. 

Dung (SHTT)