6 tháng đầu năm, tiền gửi không kỳ hạn tại BIDV, Vietcombank, MB suy giảm rõ rệt

Mới đây, BIDV vừa công bố báo cáo tài chính quý hợp nhất 2/2020 với kết quả kinh doanh đầy bất ngờ. Đặc biệt, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này sụt giảm rõ rệt....

Bất ngờ đà tăng dư nợ xấu tại BIDV

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020.

Cụ thể, riêng quý 2/2020, thu nhập lãi thuần ghi nhận giảm gần 24% so với cùng kì năm trước, xuống còn 6.949 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 8% lên 1.178 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động chứng khoán kinh doanh và đầu tư lần lượt tăng 4 lần và 5,4 lần, đạt 240,5 tỷ đồng và 797,4 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần giảm 9%, còn 16.098 tỷ đồng. BIDV giảm 6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so cùng kỳ, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 6%, chỉ còn 14.596 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế cùng giảm 5% và 6% so cùng kỳ, chỉ còn 4.454 tỷ đồng và gần 3.476 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng cho cả năm 2020, BIDV đã thực hiện được 36% sau 6 tháng đầu năm.

Tại ngày 30/06/2020, tổng tài sản của ngân hàng giảm nhẹ 3% so với cùng thời điểm cuối năm trước, ghi nhận ở mức 1,45 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó cho vay khách hàng tăng trưởng ở mức khiêm tốn gần 2% với 1,14 triệu tỷ đồng. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tại BIDV trong 6 tháng đầu năm giảm 12%, xuống còn 67.567 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại BIDV.

Đáng chú ý,  6 tháng đầu năm 2020, khoản lãi và phí phải thu tại BIDV tăng nhẹ 3%, ở mức 13.219 tỷ đồng.

Đặc biệt, tăng trưởng cho vay thấp nhưng số dư nợ xấu của BIDV lại tăng mạnh 17% so với đầu năm, lên mức 22.767 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, lên mức 4.238 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 21%, ở mức 5.188 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, lên mức 13.342 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BIDV tăng từ mức 1,75% đầu năm lên 2%.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại BIDV.

Ngoài chất lượng tín dụng, lưu chuyển tiền tệ của nhà băng này cũng không mấy khả quan. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm ở mức 72.005 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư đang âm hơn 323,5 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm 72.329 tỷ đồng.

Tiền gửi không kỳ hạn "ông lớn" ngân hàng sụt giảm

Hiện nay, trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, CASA là một tỷ lệ so sánh, góp phần phản ánh sức cạnh tranh về nền tảng khách hàng của mỗi thành viên.

Vì đây là kết quả của phát triển dịch vụ, phát triển khách hàng và mức độ lượng tiền gửi thanh toán đọng lại.

Vietcombank và MB là 2 ngân hàng đã quá quen thuộc khi nói đến việc có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất trong hệ thống. Thế nhưng trong 3 năm gần đây, có thêm một ngân hàng khác là Techcombank cũng ngày càng tận dụng được nguồn vốn giá rẻ này, thậm chí tăng trưởng rất nhanh.

Cả 3 ngân hàng Vietcombank, MBBank, Techcombank đều đang có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) ở quanh mức 30%, cao hơn hẳn so với những nhà băng còn lại trong hệ thống. Tuy nhiên,  lượng tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng lại đang suy giảm rõ rệt.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, tiền gửi khách hàng tại BIDV tăng 1,6% lên 1,13 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền và vàng gửi không kỳ hạn tại BIDV lại giảm 3% so với đầu năm, xuống mức hơn 172.500 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ CASA tại nhà băng trong 6 tháng đầu năm sẽ sụt giảm nhẹ so với đầu năm.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại BIDV.

Tương tự như BIDV, tính đến 30/6/2020, tiền gửi không kỳ hạn tại “ông lớn” Vietcombank cũng bị suy yếu so với đầu năm, giảm nhẹ khoảng 1% xuống 260.378 tỷ đồng. Tiền gửi vốn chuyên dùng giảm nhẹ từ 21.019 tỷ đồng xuống 19.892 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại Vietcombank.

Ngoài ra, kết thúc 6 tháng đầu năm, MB ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm 5,6% xuống còn 257.379 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kì hạn tại MB giảm 9% so với đầu năm, xuống còn 83.935 tỷ đồng. Tiền gửi kí quĩ cũng giảm 22,4% xuống mức 5.929 tỷ đồng. Tiền  gửi có kỳ hạn cũng giảm nhẹ 1%, xuống 168.051 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại MB.

Hà Phương