Vì sao lại gọi các nhà hảo tâm là Mạnh Thường Quân?

Chúng ta thường hay gọi các nhà từ thiện, những người hảo tâm là các \"Mạnh Thường Quân\". Nhưng không phải ai cũng biết vì sao lại dùng cụm từ này.

Mạnh Thường Quân là nhân vật có thật trong lịch sử tên Điền Văn, là một quý tộc nước Tề, một trong bốn đại công tử trong thời kỳ Chiến Quốc.

Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3.000 thực khách nên chi phí quá lớn, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong. Một năm không thu được tiền về, ông cử Phùng Hoan đi đòi. Phùng Hoan trước khi đi có hỏi Mạnh Thường Quân rằng: “Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không?”. Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Thì ông cứ xem ở đây ta thiếu thứ gì thì đem về”.

Phùng Hoan đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương thực, ăn uống cực khổ. Phùng Hoan bèn tập hợp họ lại và nói rằng Mạnh Thường Quân quyết định hủy bỏ tất cả khế ước vay nợ cho mọi người. Nói rồi Phùng Hoan đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động.

Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực cho Mạnh Thường Quân nghe. Mạnh Thường Quân nổi giận nói: “Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu?”. Phùng Hoan đáp rằng: “Ngài tiền tài, phú quý, ngựa đẹp, mỹ nữ thứ gì cũng không thiếu, tôi chỉ thay ngài mua về hai chữ ‘nhân nghĩa’”. Mạnh Thường Quân nghe xong rất tức giận nhưng sự đã rồi nên không truy cứu.

Hai năm sau, Tề Dẫn Vương vì nghe lời bịa đặt cho rằng Mạnh Thường Quân sẽ có ngày uy hiếm vương vị của mình nên đã phế truất tước vị của ông.

Mạnh Thường Quân uể oải trở về cố cư ở Bích Thành, dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón. Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan rằng: “Nhân nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi”.

Cũng xuất phát từ câu chuyện trên mà ngày nay, với những ai hảo tâm sẵn lòng làm việc thiện giúp đỡ người khác, mọi người sẽ gọi đó là những “Mạnh Thường Quân”.

TH (SHTT)