Đàn bà đừng mù quáng khi nhịn chồng chỉ để êm cửa ấm nhà

Từ xưa đến nay cứ mỗi khi nhắc đến phụ nữ là người ta nghĩ ngay tới đức tính nổi bật như giàu đức hi sinh, chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn chịu đựng… Ôi, vô vàn những tính từ cao cả để gán lên người phụ nữ Việt Nam, khiến cho họ phải chịu biết bao định kiến của xã hội về cách sống. Mà những điều đó, chưa chắc đảm bảo cho một cuộc sống ấm êm hạnh phúc

Đàn bà nhịn chồng là bản năng

Khi có chồng, có con các chị em luôn cố gắng chu toàn để gia đình hạnh phúc. Họ chấp nhận sự thiệt thòi, hi sinh để mái ấm trọn vẹn chỉ mong nhà cửa yên ấm.

Thế nhưng, đâu phải người chồng nào cũng hiểu thấu những khó khăn, vất vả mà vợ mình phải chịu đựng hàng ngày. Không chỉ thế, phụ nữ dẫu có làm tốt đến đâu cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích với bố mẹ chồng.

Thế nên, để cuộc sống gia đình êm ấm, hòa thuận đôi khi người phụ nữ – con dâu phải học sự nhẫn nhịn, chịu đựng. Dù bản thân có đúng đấy nhưng đôi khi vẫn phải kìm nén, nhắm mắt cho qua.

Sự cam chịu ấy giống như bản năng của người phụ nữ vậy, họ nhẫn nhịn vì chồng, vì con, vì muốn yên cửa yên nhà mà thu mọi ấm ức, đắng cay vào mình. Trong khi, đàn ông thường vô tâm với người đàn bà bên cạnh mình.

Và đàn bà, cứ chịu đựng, cứ ôm lấy nỗi cô đơn ngày này qua ngày khác không phải là cách thông minh để giữ gìn hai chữ hạnh phúc.

Cam chịu mãi trở thành mù quáng


Đàn bà dẫu nghèo khó hay giàu sang thì thâm tâm vẫn mong muốn có một chỗ dựa. Chỉ mong cuộc đời có người đồng hành, vui có người chia sẻ, buồn có người cùng nhau vượt qua.

Nhưng vốn dĩ, hạnh phúc chẳng phải là thứ có thể chia đều cho tất cả phụ nữ. Bước vào hôn nhân, không phải ai cũng may mắn gặp được người chồng tốt.

Biết bản thân mình không hạnh phúc nhưng đàn bà rất khó để buông. Dẫu chồng vũ phu, chồng lười biếng, vô tâm, thậm chí ngoại tình nhiều người đàn bà vẫn cố ở lại.

Thâm tâm họ biết, bản thân không còn cầu mong yêu thương nhưng vẫn ở lại vì con, bởi nó cần cha, nhà cần nóc. Thế nên, nhiều chị em thường cố nuốt ngược nước mắt vào lòng. Giả vờ bản thân mình yên ổn để con cái lớn lên bình yên.

Bởi họ muốn con lớn lên có đủ bố, đủ mẹ. Dẫu cho nỗi khổ tâm là thứ bào mòn sức lực và nhan sắc của đàn bà. Dẫu chồng vẫn không thay đổi thì vợ cứ tiếp tục chịu đựng, Đàn bà nghĩ như thế là tốt cho con.

Nhưng rồi, các chị em có từng nghĩ, cứ cam chịu như thế đến suốt cuộc đời sẽ có được gì? Hạnh phúc thật sự mới khiến con người ta bình yên, thanh thản.

Còn thứ hạnh phúc đã đổ nát từ lâu mà người đàn bà đang gìn giữ cho con chỉ là thứ giả tạo. Con trẻ bây giờ rất nhạy cảm. Chính bản thân con hiểu hơn ai hết gia đình mình có yên ấm hay không.

Làm sao con có thể lớn lên bình yên khi chứng kiến những cảnh đau lòng trong gia đình? Làm sao có thể hạnh phúc khi biết mẹ mình đang ôm những vết thương sâu hoắm trong lòng?

Mọi thứ đều có giới hạn của nó

Các chị nên hiểu 1 điều, phụ nữ đã lấy chồng ai cũng phải hy sinh và nhẫn nhịn nhưng chỉ là ở một mức độ nào đó thôi. Ví dụ như chấp nhận mình sẽ cáng đáng việc chăm lo con cái cho người đàn ông ra ngoài kiếm tiền, bớt bớt một số sở thích như du lịch, shopping, ăn uống thả ga… để dành thời gian cho gia đình.

Còn các vấn đề khác trong gia đình như chi tiêu, kế hoạch nuôi dạy con, phát triển kinh tế, người vợ hoàn toàn có tiếng nói ngang với người chồng.

Nhẫn nhịn không có nghĩa là đàn bà phó mặc đời mình vào tay của những người đàn ông vô tâm mặc họ muốn nói gì cũng được. Họ thích đánh thì đánh, chửi thì chửi, trong khi đó vợ cấm có hé răng một tiếng kêu oan.

Đàn bà đừng mạnh miệng nói rằng “Tôi nhịn vì con cái, vì mái ấm gia đình”. Cái này gọi MÙ QUÁNG mà thôi. Bởi cuối cùng, sau tất cả, người chịu thiệt chỉ có phụ nữ mà thôi.

Thế nên, đàn bà ạ, đừng sống mà chỉ biết nhịn nhịn mãi như thế. Hãy nổi dậy 1 lần để chứng minh vị trí của mình trước mặt chồng, hãy thử xem. Bạn sẽ nhận ra, lời nói của mình cũng đáng được coi trọng, vị trí của mình cũng không thể thay đổi, và những tâm tư tình cảm của bản thân cũng cần được thỏa mãn- như bất kì ai.

Người ta có câu "Người mẹ hạnh phúc- gia đình hạnh phúc", đừng mù quáng cam chịu mãi, thử nổi dậy 1 lần, không phải để đập tan yên ấm gia đình- mà để cán cân gia đình thăng bằng không bên trọng bên khinh. Để chồng nhận ra vợ mình cũng không phải kẻ cam chịu nhịn nhục vô giới hạn muốn làm gì cũng được, nhà chồng nhận ra con dâu mình cũng có chính kiến, con cái tự hào có 1 bà mẹ dịu dàng mà mạnh mẽ. Gia đình khi đó mới ấm êm thực sự!

Nguồn : Webtretho