Một công ty “họ” Sông Đà bị BIDV thu giữ tài sản bảo đảm

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo thu giữ tài sản bảo đảm của CTCP Sông Đà 27 (UPCoM: S27).

Mới đây, BIDV cho biết, theo nội dung Công văn số 7999/BIDV-TTXLN ngày 30/6/2020, BIDV đã yêu cầu CTCP Sông Đà 27 (mã chứng khoán: S27) thực hiện giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng để xử lý theo quy định, tuy nhiên đến nay bên bảo đảm vẫn chưa phối hợp thực hiện. Vì vậy, BIDV thông báo thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tài sản bảo đảm được thu giữ là nhà 3 tầng các các công trình phụ tại trụ sở CTCP Sông Đà 27, số 155 đường Trần Phú, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, có diện tích 1.336,6 m2.

Tài sản thứ hai là toàn bộ hệ thống dây chuyền, thiết bị, lò nung hầm sấy, phương tiện vận tải, phần xây lắp, tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án đầu tư Nhà máy gạch Tuynel Vượng Lộc theo Hợp đồng thế chấp. Các máy móc thiết bị, phương tiện vận tải theo Hợp đồng thế chấp trong khuôn viên Dự án đầu tư Nhà máy gạch Tuynel Vượng Lộc.

Các tài sản này ở xóm 1, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo tìm hiểu, CTCP Sông Đà 27 tiền thân là Công ty Xây dựng số II Hà Tĩnh - là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập tháng 10 năm 1996. Năm 2009, Sông Đà 27 lên sàn chứng khoán với vốn điều lệ gần 16 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Sông Đà 27 ghi nhận sự bết bát từ năm 2011 khi lần đầu báo lỗ gần 14 tỷ đồng và liên tục lỗ các năm về sau.

Đến năm 2017, Sông Đà 27 ghi nhận lỗ gần 7 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 52 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2017 gần 43,5 tỷ đồng, còn dài hạn là 5,2 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC đã kiểm toán năm 2017 tại Sông Đà 27.

Năm 2018 và 2019, Sông Đà 27 vẫn không công bố báo cáo tài chính nên chưa rõ tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp này như nào.

Hiện cổ phiếu của doanh nghiệp này bị đưa vào diện hạn chế giao dịch bổ sung do tổ chức giao dịch không công bố thông tin về họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và không có biện pháp khắc phục.

Tổng công ty Sông Đà (Sông Đà) được biết đến là một trong những ‘ông lớn’ thuộc Bộ Xây dựng.

 

Bộ Tài chính cho biết nợ phải trả của Tổng công ty Sông Đà vào cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước.

Hà Phương