Sau ly hôn, nếu không chu cấp tiền cho con có thể bị xử lý hình sự

Khi ly hôn, nếu không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con thì người chồng hoặc người vợ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của hai bên.

Quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng, bao gồm cấp dưỡng bao nhiêu, phương thức cấp dưỡng thế nào tuỳ thuộc vào thoả thuận của đôi bên khi ly hôn. Chỉ khi không thể thoả thuận được thì vợ chồng mới yêu cầu Toà án giải quyết. Khi giải quyết, Toà án căn cứ vào các yếu tố điều kiện hoàn cảnh, xem xét để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con để ra phán quyết cuối cùng về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng.

Sau khi Toà ra phán quyết, nếu bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi vợ chồng ly hôn mà không chấp hành bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm có thể phải ngồi tù từ 03 tháng đến 05 năm tuỳ mức độ, đồng thời, phải nộp tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội không chấp hành án theo Điều 380.

Nếu không thuộc trường hợp phạm tội không chấp hành án, nhưng người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể bị quy kết tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 186 của Bộ luật hình sự hiện hành, cụ thể, nếu người này có khả năng thực tế để chu cấp tiền cho con, nhưng từ chối hoặc trốn tránh, dẫn đến hậu quả con mình lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ hoặc đã bị phạt tiền (phạt hành chính) mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc có khi phải ngồi tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Thế mới nói, chuyện cấp dưỡng cho con không phải là chuyện đùa, thích hoặc muốn thì làm, còn không muốn thì thôi, đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện, trong trường hợp không thực hiện, như bạn đã thấy, sẽ phải chịu chế tài xử lý nhất định theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, tại phiên Toà, đôi bên cần thẳng thắn trao đổi về nghĩa vụ cấp dưỡng trong phạm vi giới hạn về điều kiện hoàn cảnh của đôi bên, để tránh sau khi ra phán quyết của Toà, thì lại đổi ý thay đổi với lý do mình không đủ khả năng, bạn nhé!