23 tháng Chạp nhớ bày cúng CHỖ NÀY để Táo quân hoan hỉ ban phúc, hiểu lòng thành gia chủ

Tết ông Công ông Táo đã trở thành một nét tín ngưỡng tốt đẹp của người dân Việt Nam. Theo dân gian, Táo quân gồm 2 ông, một bà tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong bếp, họ quan niệm rằng gia đình có êm ấm hay không cũng đều dựa vào gian bếp, nơi giữ lửa của tổ ấm.

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là người Việt lại sắm sửa, bày biện lễ cúng để tiễn Táo quân về chầu trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng về mọi điều tốt xấu của năm cũ và bày tỏ những ước muốn của gia chủ trong năm tới.

Nhưng cúng Táo quân ở đâu sẽ linh nghiệm nhất thì chẳng phải ai cũng biết được:

1. Nên cúng Táo quân ở bếp hay trên bàn thờ?

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Hoàng Điệp cho hay gia chủ có thể đặt bàn thờ trong bếp để thể hiện tín ngưỡng vì ông Táo vốn là vị thần cai quản căn bếp. Nếu không tiện, các gia đình cũng có thể lên chùa lớn bởi ở đây thường có ban thờ riêng cúng Táo quân.

Tuy nhiên ngày nay việc thờ cúng được đơn giản hóa rất nhiều, các gia đình không có bàn thờ Táo quân có thể chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính.

Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương, chúng ta không nên cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ gia tiên vì đây là hai vị thần khác nhau.

Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

CHỐT LẠI! Dù hiện nay có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nên đặt mâm cúng Táo quân ở đâu xong có lẽ điều ấy không quan trọng bằng việc gia chủ có chuẩn bị cỗ cúng tươm tất và thật sự thành tâm hay không. Chính vì vậy thay vì lo toan nên cúng trong bếp hay trên bàn thờ, bạn nên chú tâm vào việc chuẩn bị kỹ càng mâm cúng cũng như lễ vật để dâng lên Táo quân.

2. Lễ vật cúng ông Công, ông Táo đầy đủ nhất

Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.

– Ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước với ngụ ý rằng “cá hóa long” – cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời.

– Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.

– Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Nhiều gia đình tổ chức lễ cúng mặn để cúng Táo quân về trời xong nhà Phật cho rằng gia chủ nên cúng thanh tịnh, tránh sát sinh nhiều để tỏ được lòng thành của mình.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi tạ lễ, hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để tiễn Táo quân lên trời.