Sau tết, nhiều doanh nghiệp “khát” lao động

Đúng như cảnh báo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, tình trạng khát lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân 2016 căng thẳng hơn các năm trước. Ước tính số lao động cần tuyển gấp tại thời điểm này hơn 19.000 người. 

Ghi nhận tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) cho thấy, hiện có rất nhiều DN đăng tải thông tin tuyển dụng với số lượng lớn phục vụ cho nhu cầu sản xuất sau kỳ nghỉ tết. Nhiều công ty đã phải liên tục đăng tuyển bằng cách in tờ rơi, áp phích ngay tại khu vực cổng công ty để mời chào người lao động vào làm việc. Đơn cử như Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công ở KCN Tân Bình đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân may, vắt sổ, lái xe…, mức lương 5,4 - 6,5 triệu đồng/tháng. Công nhân vào làm việc còn được ưu đãi phụ cấp xăng hàng tháng, cơm trưa, thưởng chuyên cần, xét tăng lương hàng năm, thưởng cuối năm 1,5 - 2 tháng lương. Công ty cổ phần 28 Hưng Phú thuộc Tổng Công ty 28 (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng gấp 100 lao động ngành may, với những ưu đãi như lương cơ bản 6 - 8,5 triệu đồng/tháng, có trợ cấp xăng xe, lương thưởng đầy đủ.

Ông Lê Văn Hòa, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty cổ phần Gỗ Trường Tuấn (KCN Tân Tạo), cho biết trước kỳ nghỉ tết đã dán thông báo lịch làm việc trở lại là mùng 6 Tết, nhưng đến nay nhiều công nhân vẫn chưa quay lại làm việc. Đầu năm, nhiều đơn hàng phải xuất đi châu Âu nhưng với tình hình hiện nay, e rằng sẽ khó kịp thời gian giao hàng. Chị Huỳnh Thị Lan, chủ cơ sở may Gia Huy (quận Tân Phú), cũng cho biết cơ sở của chị có khoảng 45 lao động. Đến nay đã ngoài mùng 10, hơn một nửa lao động vẫn chưa quay lại làm việc. Do công việc gấp rút, chị đăng tuyển lao động từ hôm mùng 6 Tết với nhiều ưu đãi, song đến nay vẫn chưa tuyển được người nào.

Để khắc phục, nhiều công ty đã phải thực hiện kế hoạch tăng ca ngay sau tết, động viên người lao động cố gắng làm việc để nâng cao năng suất lao động cho kịp các đơn hàng. Thông thường, phải đến hết tháng Giêng âm lịch, công nhân mới quay lại làm việc đầy đủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt lao động. Chủ yếu nhất vẫn là đặc thù lao động từ nông thôn ra thành thị. Họ chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp. Dù người lao động đang làm tại các công ty nhưng cứ đến vụ mùa hay có việc gia đình, là họ sẵn sàng bỏ việc. Mặt khác, hiện các công ty thành lập nhiều nên việc cạnh tranh, giành nguồn nhân lực cũng diễn ra gay gắt. Người lao động vốn sẵn tâm lý “nhảy việc” nên có thể ngoảnh mặt với DN bất cứ khi nào. Để hạn chế tình trạng này, các DN cần có chế độ ưu đãi, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần để thu hút và giữ chân lao động trong quá trình sản xuất.