Bị bỏng nước sôi 100 độ cậu bé đã thoát chết nhờ sự nhanh tay của mẹ

(SHTT) - " Bỏng" nghe từ này nhiều phụ huynh không khỏi giật mình và ám ảnh bởi hậu quả khủng khiếp của nó. Nếu biết sơ cứu đúng cách thì độ rủi ro khi bé bị bỏng sẽ giảm đi đáng kể.  

Một cậu bé 17 tháng tuổi ở Triết Giang - Trung Quốc bị bỏng nước sôi 100 độ nhưng nhờ được mẹ sơ cứu kịp thời mà đã thoát chết trong gang tấc. Sự bình tĩnh - sơ cứu chính xác này của bà mẹ khiến các bác sỹ cũng phải khen ngợi. Theo đó sau khi bé bị bỏng, mặc dù các thành viên trong gia đình 1 mực muốn đưa bé đi bệnh viện luôn nhưng mẹ bé thì không. Chị dùng nước lạnh để rửa vết thương trước rồi mới đưa bé đi. Hành động này giúp giảm nhiệt độ bề mặt của da bị bỏng, tản nhiệt và giảm đau cho đứa trẻ. Nó cũng giúp cho vết bỏng của bé sau này lành nhanh hơn khi điều trị tại bệnh viện.

Thực ra nếu gia đình bạn có con nhỏ bạn phải xác định rằng mình phải chấp nhận những rủi ro bé có thể gặp phải do sự chủ quan của người lớn hoặc sự nghịch ngợm của các bé. Trong đó có các sự cố liên quan đến bỏng. Nếu bé bị bỏng, dù vết bỏng to hay nhỏ, dù nước nóng ở mức độ nào thì người lớn phải hết sức bình tĩnh. Không được phép vội vàng cởi áo quần của bé bởi lúc này da đang bị tổn thương, hành động này sẽ khiến rách da của bé làm bé đau đớn hơn. Sơ cứu đúng cách đó là dùng nước lạnh rửa vết phỏng 15-20 phút, sau đó mới cắt bỏ quần áo. Hãy dùng 1 chiếc kéo cắt từng mảnh quần áo của bé ra chứ không cởi để tránh tổn thương da.

Hãy bình tĩnh sơ cứu khi bé bị bỏng để bé nhanh hồi phục sau này

Đừng phụ thuộc vào những bài thuốc dân gian, các loại thuốc mỡ hay cao mà phải đưa bé tới bệnh viện để các bác sỹ có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi những loại thuốc hay cao kia có thể khiến bề  mặt vết bỏng rộng bị nhiễm khuẩn và sốc độc, có thể dẫn tới tử vong. Cần cố gắng đưa trẻ đến điều trị tại các bệnh viện hoặc chuyên khoa về bỏng, để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Trong quá trình chữa trị không nên cho bé ăn uống chế độ kiêng kem ngặt nghèo nên bổ sung đủ chất để bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tăng cường sức đề kháng trước những loại vi khuẩn tránh nhiễm trùng.

Để phòng tránh việc bỏng cho bé bạn nên hạn chế để bé đứng gần khu vực bếp hoặc phích, cây nước nóng lạnh. Không nên pha sữa trong tầm tay của bé bởi sự hiếu động của bé có thể sẽ khiến bạn bối rối làm đổ nước nóng.

PV