Nguy cơ ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc vẫn rình rập

Ở Việt Nam bệnh sốt rét dù cơ bản đã được đẩy lùi ở các vùng thành thị trong thập kỷ qua, nhưng hiện nay vẫn còn đe dọa người dân sinh sống và làm việc ở khu vực rừng núi. Đặc biệt, đây chính là bệnh lưu hành phổ biến nhất và nguy hiểm nhất đối nhóm dân di cư đến khu vực này để làm việc, theo một hội thảo quốc tế về bệnh này được tổ chức hôm nay 10-11, tại TPHCM.

So với năm 2000, thì số ca sốt rét ở nước ta năm 2014 giảm đến 90,5%, số ca tử vong do sốt rét giảm 95,9%, theo số liệu được trình bày tại hội thảo "Đặc điểm của di biến động dân liên quan đến bệnh sốt rét: Hướng tới chiến lược phòng chống sốt rét đặc thù cho dân di biến động" do Viện Sốt rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Di dân Thế giới (IOM) tổ chức .

Dù đã giảm mạnh, bệnh sốt rét vẫn có nguy cơ bùng phát, gia tăng số ca mắc và tử vong và có thể gây thành dịch. Nguy hiểm hơn, nhiều địa phương đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và có nguy cơ lan rộng tới những địa phương khác trên toàn quốc. Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực này, tình hình sốt rét dai dẳng và phức tạp của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có liên quan mật thiết với tình hình di biến động dân nội quốc và liên biên giới.

Cụ thể hơn, các chuyên gia đã công bố kết quả khảo sát về mối liên hệ giữa nhóm lao động di cư tại tỉnh Bình Phước và khả năng dễ bị mắc bệnh sốt rét. Đây là tỉnh nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, có chung biên giới với ba tỉnh Campuchia và giáp với Đăk Nông, và thu hút nhiều dân di cư từ các địa phương khác đến làm ăn sinh sống, trong đó có một bộ phận lớn lao động di chuyển đến các vùng rừng núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, để khai thác lâm sản, trồng và thu hoạch cây nông nghiệp, đi rừng, ngủ rẫy qua đêm…

Theo các chuyên gia , đây cũng là nhóm có nguy cơ sốt rét cao, nhưng khả năng tiếp cận với truyền thông đại chúng và hiểu biết về sức khỏe của nhóm này vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ như có rất ít người biết thuốc chống sốt rét được cấp miễn phí cho bệnh nhân, nhiều người dân vẫn có thói quen cởi trần khi làm việc ngoài trời, hay vẫn còn một phần tư lao động được hỏi cho biết không mang màn khi đi rừng, ngủ rẫy…

Tình hình di cư biến động phức tạp và kiến thức về phòng chống sốt rét không đầy đủ ở địa phương khiến Bình Phước hiện là một trong những tỉnh có sốt rét lưu hành nặng nhất cả nước, và là nơi đầu tiên ghi nhận ký sinh sốt rét kháng thuốc năm 2009.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra cảnh báo trong tương lai, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, thì Việt Nam sẽ còn đối mặt với nguy cơ sốt rét cao hơn và phức tạp hơn, do luồng di dân từ các nước có số ca mắc cao trong khu vực sẽ đổ vào làm việc ngày càng nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra, như thiết lập bản đồ theo dõi di dân biến động, đẩy mạnh dịch vụ y tế và truyền thông đến nhóm dân này, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân, các đoàn thể, trường học, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế trong phòng chống sốt rét…