Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Dễ mắc, khó chữa

Với tỷ lệ hút thuốc cao, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đứng đầu khu vực và thế giới. Theo ghi nhận của Bộ Y tế, bệnh COPD không những tăng số người nhập viện điều trị mỗi năm với tần suất khoảng 6,7% mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong đó, đối tượng nam giới bị ung thư phổi liên quan đến COPD chiếm một tỷ lệ phần lớn.  

Cứ 100 người có 6 người mắc

Với gần 20 năm hút thuốc lá, anh Nguyễn Th. (41 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM) đang băn khoăn vì chưa dứt bỏ được. Những dấu hiệu bệnh tật xuất hiện có nguyên do từ hút thuốc đã khiến anh Th. phải đi bệnh viện thăm khám. “Lúc đầu ho ít, sau đó ho nhiều từng cơn, khạc ra đờm đặc và nhiều lúc cảm thấy như rất khó thở, người mệt lừ thừ”, anh Th. cho biết. Đã được bác sĩ chỉ định thuốc uống từ 2 tuần nay, những cơn ho của anh Th. có giảm dần nhưng tình trạng thỉnh thoảng tắc nghẽn đường thở, khó thở vẫn xảy ra… Theo TS-BS Lê Thượng Vũ, giảng viên bộ môn Nội - Đại học Y Dược TPHCM, tình trạng như anh Th. là khá phổ biến ở những người có thói quen hút hoặc nghiện thuốc lá. COPD là bệnh được ví von như “sát thủ vô hình”, là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Chi phí điều trị cao, kéo dài làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, đồng thời COPD còn ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống bệnh nhân, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có những nghiên cứu toàn quốc, mới chỉ có một số nghiên cứu về dịch tễ học COPD được tiến hành trên từng khu vực nhất định. Những kết quả ban đầu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh chung là 4,2% ở người trên 40 tuổi, trong đó tỷ lệ mắc ở nam giới là 7,1%, cao hơn ở nữ giới (1,9%). Tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực miền Bắc cao hơn ở miền Nam. Cứ 100 người dân sẽ có khoảng 2 - 6 người mắc COPD. Trong lĩnh vực điều trị tại bệnh viện, COPD cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Tại các chuyên khoa hô hấp của các Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Dược TPHCM, Chợ Rẫy…, bệnh nhân mắc COPD vào điều trị chiếm 1/4 số bệnh nhân nằm điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia hô hấp nhìn nhận, tỷ lệ mắc COPD thực tế còn cao hơn do nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán, không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, thậm chí cả với những trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào. Những đối tượng này thường nghĩ đơn giản là ho xuất hiện ở người hút thuốc lá, thuốc lào là bình thường.

Giảm sức khỏe và chất lượng sống

Theo tiến sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Hội Hô hấp TPHCM, bệnh COPD là nguyên nhân gây tử vong cao trên thế giới và là gánh nặng của xã hội. Theo TS Lan, COPD là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, tuy nhiên cần lưu ý, bệnh không chữa khỏi hoàn toàn. Khi đã được phát hiện, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển nặng dần. Việc điều trị bệnh sẽ giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên của bệnh, thông qua việc dùng thuốc đúng cách và đầy đủ, tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào. Khi tránh được các yếu tố nguy cơ, niêm mạc đường thở của bệnh nhân không bị kích thích thường xuyên, tình trạng viêm niêm mạc đường thở do vậy được giảm đi, bệnh nhân sẽ ít khạc đờm hơn, ít ho hơn và bớt khó thở hơn. Các chuyên gia y tế đánh giá COPD là một bệnh phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài và điều rất đáng tiếc là sự tắc nghẽn đường thở này không hồi phục được hoàn toàn, người bị bệnh COPD sẽ mang bệnh suốt đời. Tuy nhiên, những tiến bộ y học hiện nay giúp được những người đang tiếp xúc các yếu tố nguy cơ có thể tránh mắc bệnh, những người đã mắc bệnh khi được tư vấn và điều trị đầy đủ sẽ có cuộc sống tốt hơn, bệnh tiến triển chậm hơn.

Điều tra dịch tễ của Bộ Y tế cho thấy, trong số các nguyên nhân gây bệnh COPD, thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân nghiêm trọng nhất, gây bệnh ở hơn 90% trường hợp. Tuy nhiên, khoảng 20% - 30% số người hút từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh COPD. Ngoài ra, bệnh COPD do tiếp xúc bụi nghề nghiệp gặp ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng, thợ dệt, nông dân… là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản, có nguy cơ cao bị mắc COPD… Về độ tuổi, COPD thường xảy ra ở các đối tượng nam giới, tuổi trên 40. 

Theo TS Lê Thị Tuyết Lan, những dấu hiệu gợi ý xuất hiện bệnh có thể là ho khan hoặc thành cơn, khạc đờm kéo dài về buổi sáng. Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, khoảng 60% các bệnh nhân COPD có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ngày, suy giảm sức khỏe và chất lượng sống.