Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Đông Nam Á

Hãng AFP ngày 22-8 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bắt đầu chuyến công du 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Chuyến công du này được cho là không nằm ngoài kế hoạch nhằm tái khẳng định lập trường của Mỹ về vấn đề biển Đông trước sự gia tăng tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Giữ thái độ trung lập

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Chuck Hagel là Hawaii, nơi ông sẽ có cuộc tiếp xúc với các binh sĩ Mỹ và các quan chức cấp cao tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương. Ông chủ Lầu Năm Góc đến Kuala Lumpur vào ngày 24 và 25-8, trước khi đến Jakarta trong ngày 26-8 và Brunei ngày 27-8. Philippines sẽ là điểm kết thúc chặng hành trình.

Cũng trong chuyến công du kéo dài 1 tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN trong hai ngày 28 và 29-8. Giới chức cho hay các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc thảo luận với khối ASEAN tại Brunei vào tuần tới. Cũng tại Brunei, ông Hagel dự kiến có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, người cũng tham dự phiên họp với ASEAN. Cuộc gặp giữa họ diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Thường có chuyến thăm Washington nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ - Trung.

Trước đó, trong cuộc hội đàm ngày 19-8 với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Hagel tái khẳng định Washington giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đang ngày càng leo thang hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, không ép buộc. Chuyến công du của ông cũng sẽ không nằm ngoài mục đích tái khẳng định lập trường này.

Chạy đua củng cố vai trò

Theo Diplomat, chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ diễn ra vài ngày sau khi có cuộc gặp với ông Thường Vạn Toàn cho thấy Washington nỗ lực thực hiện mục tiêu tái cân bằng sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tháng 7, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 167, khẳng định Thượng viện Mỹ khuyến khích ủng hộ các lực lượng vũ trang của nước này tiếp tục các hoạt động tại Đông Thái Bình Dương, trong đó có các hoạt động chung với lực lượng vũ trang của các nước trong khu vực để hỗ trợ tự do hàng hải, đảm bảo hòa bình, ổn định, sự tuân thủ luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi.

Diplomat cho biết một chi tiết đáng chú ý rằng trong cuộc gặp với ông Thường Vạn Toàn, ông Chuck Hagel đã không hề đề cập đến chuyến đi này, hành động này dường như muốn “trả đũa” Bắc Kinh vì việc gia tăng các hoạt động quân sự trong thời gian qua.

Trung Quốc cũng không chậm chân hơn Mỹ vì sau chuyến công du của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn, các nhà lãnh đạo trong bộ máy nhà nước của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến đi thúc đẩy quan hệ chiến lược hoặc tăng cường quan hệ quân sự với Indonesia, Thái Lan và Kazakhstan. Các chuyên gia phân tích cho rằng giữa lúc căng thẳng trên biển Đông được đẩy lên cao, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã có những hành động rất cụ thể nhằm củng cố vai trò và vị trí của mình, và điều này dường như đủ khiến dư luận tập trung hơn vào vấn đề biển Đông.

Theo dự thảo tuyên bố chung “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác” (ADMM+), dự kiến diễn ra tại Brunei vào ngày 29-8, Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, sẽ thảo luận các biện pháp thiết thực nhằm tránh để xảy ra xung đột trên biển.