Điểm lại những sự kiện y tế nổi bật trong năm 2017

(SHTT) - Lần đầu tiên Việt Nam ghép thận chéo thành công; ghép phổi thành công từ người hiến tặng còn sống; vụ án VN Pharma; tai biến chạy thận làm 8 người tử vong; sốc nhiễm khuẩn khiến 4 trẻ sinh non tử vong; dịch sốt xuất huyết tấn công Hà Nội... là những sự kiện y tế nổi bật trong năm 2017.

1. Lần đầu tiên Việt Nam ghép thận chéo thành công

 

Lần đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM vừa thực hiện thành công ghép thận đổi chéo 2 trường hợp từ 2 người cho thận sống.

Nữ bệnh nhân thứ nhất là chị Lê Thị Ánh Hồng, 31 tuổi ở Kiên Giang bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo định kỳ từ tháng 4/2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cách đây gần 1 năm, người cha dượng của chị đã tình nguyện hiến thận để ghép cho chị. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này có kháng thể A24 chống lại kháng nguyên của người cha dượng, nên không thể phẫu thuật ghép thận.

Nữ bệnh nhân thứ 2 là chị Vũ Thị Huề, 32 tuổi, ở Đắk Nông cũng phải chạy thận nhân tạo định kỳ từ tháng 6/2014. Người mẹ ruột của chị đồng ý hiến thận để ghép cho con, nhưng cũng gặp phải trường hợp tương tự là có một kháng thể chống lại kháng nguyên của người mẹ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Cả 2 trường hợp này nếu vẫn quyết định ghép thận thì nguy cơ thải ghép sau mổ rất cao, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Sau khi nghiên cứu, hội đồng chuyên môn quyết định ghép thận chéo, nghĩa là thận của người cha dượng ở cặp thứ nhất sẽ cho người nhận ở cặp thứ 2 và ngược lại người mẹ của cặp thứ 2 sẽ dành thận cho người nhận của cặp thứ nhất. Ca mổ được thực hiện vào ngày 11/1, việc lấy thận và ghép thận được tiến hành song song. Đến nay, sức khỏe của cả hai bệnh nhân đều tốt, riêng mạch máu hai thận hoạt động ngay lập tức và trở lại bình thường chỉ sau hai ngày phẫu thuật.

 Theo bác sĩ Sâm, đây là ca ghép thận chéo trên người sống lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trên hai cặp gia đình khác nhau và là ca thứ 500 được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ thành công này sẽ mở hướng triển vọng cho việc ghép thận từ người cho chết não trong tương lai.

2. Ghép phổi thành công từ người hiến tặng còn sống

Tháng 2/2017, các bác sĩ BV Quân Y 103 (Học viện Quân y) đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người hiến còn sống.

Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho con. Cuộc mổ kéo dài khoảng 11 giờ. Theo chuyên gia của Nhật, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60,70 thậm chí 80 tuổi.

Ca ghép lần này thuộc đề tài Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phần phổi từ người cho sống và người cho chết não. Để chuẩn bị cho ca ghép, Học viện Quân y đã cử cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama; đồng thời phối hợp với các bệnh viện trong cả nước chọn bệnh nhân có chỉ định phổi phù hợp. Cháu bé 7 tuổi ở Hà Giang có các chỉ số ghép phù hợp nên được Học viện Quân y cùng Bệnh viện Nhi Trung ương lựa chọn. Các bác sĩ phối hợp chính quyền địa phương tư vấn, vận động gia đình thực hiện ghép phổi cho bé.

3. Vụ án VN Pharma

 Ảnh: báo Tri thức trực tuyến  

Năm 2017, cơ quan chức năng đưa vụ án nhập lậu thuốc xảy ra tại Công ty VN Pharma ra xét xử. Theo kết quả điều tra, Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada và được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu.

Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại, bắt bị can tại tòa.

Sau khi vụ án được xét xử, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra Cục Quản lý Dược. Hiện tại, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết quả thanh tra tại cục này.

4. Tai biến chạy thận làm 8 người tử vong

Ảnh: TTXVN 

Trước đó, sáng 29/5, tại Khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Sau 45 phút chạy thận, những bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng… Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân, song 8 người sau đó lần lượt tử vong. Tai biến được Bộ Y tế đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có.

Nguyên nhân được nhà chức trách xác định do nguồn nước lọc thận không kiểm định đúng quy trình. Ba người bị bắt trong đó có một bác sĩ. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị cách chức. Vụ án đang trong quá trình điều tra, chưa xét xử. Sau vụ tai biến, toàn bộ cơ sở y tế có dịch vụ chạy thận nhân tạo phải rà soát quy trình chạy thận.

5. Sốc nhiễm khuẩn khiến 4 trẻ sinh non tử vong

 Chăm sóc trẻ sơ sinh sinh non tại Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Niên

Sáng ngày 20/11, 4 trẻ sinh non đang điều trị tại BV Sản Nhi Bắc Ninh bất ngờ tử vong khiến dư luận bàng hoàng. Ngay sau đó, Hội đồng chuyên môn đã xác định nguyên nhân 4 trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế Bắc Ninh đã tạm dừng hoạt động của đơn nguyên sơ sinh, di chuyển hơn 90 trẻ sinh non đang điều trị tại đây đến các BV ở Hà Nội. Đồng thời, BV cũng đã đình chỉ công tác các nhân viên y tế tham gia ca trực để tường trình. Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ.

6. Dịch sốt xuất huyết tấn công Hà Nội
Ảnh: Thời Báo Tài Chính 

Năm 2017, lần đầu tiên dịch SXH bùng phát nhanh và kéo dài tại Hà Nội. Dịch bắt đầu từ tháng 5 và bùng phát mạnh mẽ vào tháng 7, tháng 8. Hà Nội ghi nhận gần 35.000 ca mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Đến cuối tháng 11, dịch mới cơ bản được không chế.

Linh An (t/h)