Kiểm tra toàn quốc, ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại 2G, 3G

(SHTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đang phối hợp với quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại thuần 2G, 3G vi phạm quy định và kết quả gửi về Bộ trước ngày 30/11/2023.

 Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tháng 8/2023, Bộ đã có văn bản hướng dẫn 63 Sở TT-TT trên cả nước về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất.

Cụ thể, Bộ TT-TT đề nghị các Sở TT-TT phải kiểm tra các chi nhánh của DN kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động thuần 2G, 3G lưu thông trên địa bàn; Phối hợp với quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại thuần 2G, 3G  vi phạm quy định và kết quả gửi về Bộ TT-TT trước ngày 30/11/2023.

 

Được biết, từ cuối năm 2020, Bộ TT-TT đã có Thông tư 43 quy định "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến". Theo thông tư này, kể từ tháng 7/2021, các thiết bị không đáp ứng “Quy chuẩn kỹ thuật” (như máy điện thoại di động sử dụng công nghệ 2G, 3G hoặc sử dụng đồng thời công nghệ 2G và 3G nhưng không tích hợp công nghệ 4G), không được nhập khẩu, sản xuất trong nước. Các thiết bị không đáp ứng “Quy chuẩn kỹ thuật” nhập khẩu trái phép (nhập lậu) từ ngày 1/7/2021 cho đến nay cũng không được lưu thông, phân phối, mua bán trong nước. 

Việc “thực hiện thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, phân phối lưu thông các máy điện thoại 2G Only, 3G Only” cũng đã được xác định là 1 trong 5 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT tại phiên họp chuyên đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức vào cuối tháng 8/2023.

Bên cạnh nhóm giải pháp nêu trên, 4 nhóm giải pháp khác cũng sẽ được tập trung triển khai để nâng cao tỷ lệ sử dụng smartphone của các địa phương gồm có: Chỉ đạo doanh nghiệp triển khai giải pháp ngăn chặn máy 2G Only, 3G Only kết nối vào mạng viễn thông di động; nhà mạng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi thuê bao 2G/3G sang 4G smartphone, thúc đẩy việc tắt sóng 2G, phổ cập smartphone; giải pháp truyền thông về chủ trương dừng công nghệ di động cũ, phổ cập smartphone; hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ TT-TT, đến hết tháng 6/2023, cả nước vẫn còn khoảng 22 triệu thuê bao điện thoại cơ bản (2G). Theo lộ trình, Bộ TT-TT đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9/2024. Đây cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Trên thực tế, từ năm 2020 - 2021, các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G. Viettel cho biết, sau một năm, nhà mạng này đã tắt 32.000 trạm 3G tại 670 huyện ở 61/63 tỉnh, thành phố. Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm BTS để bù vùng phủ tại các địa điểm đó.

MobiFone cũng thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G.

Hà Vân