Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị bộ SGK của Nhà nước

(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023 yêu cầu các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa (SGK) và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành SGK bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành SGK.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước, khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại Báo cáo giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ GD&ĐT, việc này nhằm chuẩn bị phương án trình Quốc hội xem xét.

Bộ cũng đồng thời được giao đôn đốc nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, đảm bảo tăng chất lượng, giảm giá thành.

 

Địa phương biên soạn, lựa chọn, sử dụng SGK, tài liệu giáo dục, tham khảo đúng quy định; không để xảy ra chậm, thiếu sách hoặc tăng giá bất hợp lý trước năm học mới. Học sinh nghèo, cận nghèo, diện chính sách được hỗ trợ SGK.

Hiện thị trường có ba bộ SGK của hai nhà xuất bản và một số sách lẻ. Hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa.

Trước đó, chiều 14/8, tại phiên thảo luận nội dung giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dường như đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.

Theo ông Sơn, Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc, bỏ đề xuất của Đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ cuối tháng 7 về việc giao Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình quan điểm này. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải tiếp tục xem xét, đánh giá kỹ vai trò của SGK, không chỉ là học liệu đơn thuần.

Ông Huệ cho rằng cần hiểu đúng về Nghị quyết 88 (năm 2014) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Nghị quyết này nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn, một hoặc một số đầu sách, không nhất thiết phải đầy đủ một bộ.

Xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ này thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.

Hà Linh