FE Credit có Tổng Giám đốc mới

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố quyết định của Hội đồng thành viên về việc thay đổi một số vị trí lãnh đạo cấp cao tại công ty. Theo đó, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt vừa được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc của FE Credit.

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố Quyết định của Hội đồng Thành viên (HĐTV) về việc thay đổi một số vị trí lãnh đạo cấp cao tại FE Credit.

Cụ thể, kể từ ngày 30/4/2023, ông Kalidas Ghose sẽ chính thức thôi vị trí Tổng Giám đốc và chuyển sang vai trò mới là cố vấn cấp cao HĐTV của FE Credit, tư vấn cho HĐTV trong các hoạt động về hoạch định chiến lược, phát triển thị trường tài chính tiêu dùng ở thời gian sắp tới

HĐTV cũng đã thông qua quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc của FE Credit từ ngày 4/5/2023. Trước khi đến với FE Credit, bà Nguyệt là thành viên Ban điều hành Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), giữ vị trí Giám đốc Khối Vận hành. Gia nhập VPBank từ năm 2014, bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, đạt nhiều thành tích nổi bật tại VPBank trong thời gian qua.

Bên cạnh các thành tựu tại VPBank, bà Nguyệt đã có 17 năm kinh nghiệm tại tổ chức tài chính quốc tế lớn là Ngân hàng ANZ với các vị trí quản lý trong các lĩnh vực Tài chính, Quản trị Rủi ro vận hành, Quản lý dự án, vận hành, kiểm toán nội bộ…

Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cùng năng lực chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt được kỳ vọng sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò trên cương vị mới, cùng đồng hành và dẫn dắt FE Credit vượt qua các thách thức, điều hành hiệu quả và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh doanh trong tiến trình tái cấu trúc bền vững.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua của VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhận định, trong năm 2023, khó khăn với FE Credit vẫn còn, HĐQT đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc FE Credit.

“Mảng tài chính tiêu dùng mặc dù có khó khăn do dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế nhưng đây vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng khi hơn 60% người dân chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng”, ông nói.

Sau nhiều năm đạt mức lợi nhuận khủng, năm 2022, FE Credit đã lỗ 3.000 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022.

Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhiều công nhân bị mất việc, giảm giờ làm khiến họ mất đi nguồn thu nhập. Trong khi đối tượng thu nhập thấp này vốn là khách hàng chính của FE Credit.

Thêm vào đó việc cơ quan quản lý cấm việc đòi nợ thuê và việc nở rộ các nhóm kéo nhau bùng nợ cũng khiến các công ty tài chính nói chung, trong đó có FE Credit bị ảnh hưởng khá nặng.

Tại báo cáo đánh giá triển vọng VPB phát hành gần đây, VNDirect đã đưa ra dự báo thận trọng cho FE Credit. Trong đó VNDirect dự báo tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm nay và khả năng tiếp tục lỗ trước thuế 700 tỉ đồng.