Hải Dương: Xử phạt 71 triệu với 3 đối tượng kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu

(SHTT) - Ngày 26/4/2023, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã ban hành 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 71 triệu đồng với 3 đối tượng kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, tịch thu gần 9.000 đơn vị sản phẩm giả mạo.

Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt 27,5 triệu đồng đối với hộ kinh doanh N.V.T tại xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; tịch thu 395 chiếc áo phông giả mạo nhãn hiệu “NY và hình”, tổng giá trị hàng hóa vi phạm: 31.600.000 đồng.

 

Quyết định thứ 3 đã xử phạt 27,5 triệu đồng đối với ông N.M.T là cá nhân kinh doanh lưu động; tịch thu 520 chiếc áo phông giả mạo các nhãn hiệu “ADIDAS và hình”, “GUCCI”, “GUCCI”, “NIKE và hình”… Trong đó có 251 chiếc áo giả mạo nhãn hiệu “YODY” là nhãn hiệu đang phát triển khá mạnh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm 31.200.000 đồng.

Quyết định thứ3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã xử phạt 16 triệu đồng, tịch thu 8.031 sản phẩm kem đánh răng, dầu gội giả mạo các nhãn hiệu “P/S”, “CLOSE UP”, “CLEAR”.

 

Các vụ việc được phát hiện, xử lý thông qua việc triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của đại diện chủ thể quyền, chủ sở hữu các nhãn hiệu bị làm giả. 

Hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể hiểu, xâm phạm nhãn hiệu là việc sao chép, sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu mà không có sự đồng ý của họ. Xâm phạm nhãn hiệu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu. Bởi, muốn được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền nhãn hiệu, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời, hành vi xâm phạm nhãn hiệu khiến cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh của cơ quan chức năng có thẩm quyền bị ảnh hưởng. Chính vì những lý do đó, xâm phạm nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Để xử lý các hành vi xâm phạm và giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, nước ta cũng đã có những quy định rõ ràng. Cụ thể, tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy vào từng trường hợp vi phạm cụ thể.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 13 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

 Thái An