Không có chuyện 'nghe điện thoại số lạ mất tiền trong tài khoản'

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin không chính xác về việc nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản ngân hàng gây hoang mang dư luận.

Được biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.

Các hành vi nổi lên phổ biến như mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhà trường, nhân viên y tế bệnh viện, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử; giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát PCCC và CNCH, Ban Tôn giáo hoặc người của các doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, cũng có không ít thông tin được người dùng mạng xã hội thêu dệt ly kỳ nhưng không chính xác gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân như: “Nhận được các cuộc gọi hoặc nháy máy từ các đầu số nước ngoài như +375 (Belarus), +371 (Latvia), +381 (Serbia), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)...”. “Nếu gọi lại, kẻ xấu có thể sao chép danh sách liên hệ của bạn trong ba giây và nếu có chi tiết ngân hàng hoặc thẻ tín dụng trên điện thoại, họ cũng có thể sao chép”; “nếu nhấn *#90 hoặc #09* khi nhận được cuộc gọi, kẻ xấu có thể truy cập vào thẻ SIM để thực hiện cuộc gọi bằng tiền trong tài khoản điện thoại của người nhận, và coi người nhận là tội phạm”.

 Thông tin trên mạng xã hội về việc nhận cuộc gọi bị sao chép danh bạ và thông tin tài khoản ngân hàng. 

Tương tự, “đồng nghiệp của tôi nhận được cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ấy đã được tiêm phòng ấn phím 1, chưa tiêm phòng ấn phím 2. Kết quả, anh ta ấn phím 1 và điện thoại bị chặn… Mọi người cẩn thận nha. Chỉ cần làm theo hướng dẫn của nó trong vòng 3 giây là nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hóa điện thoại mình, máy chủ mình nó điều khiển. Khi nó rút tiền, ngân hàng nhắn OTP vào số điện thoại mình nhưng nó nhận được,…”.

Hay một tài khoản khác kể còn ly kỳ hơn “cuộc gọi 5 giây và sự việc mất 30 triệu đồng sau đó” và khẳng định “đây là câu chuyện có thật mẹ em gặp phải”.

 Thông tin cảnh báo tràn lan trên mạng xã hội.

Hoặc có bài viết lan truyền trên mạng xã hội có nội dung đại loại là: “Mình thấy cuộc gọi nhỡ từ FlashAI, gọi lại thì bên đầu dây bên kia im lặng khoảng 20 giây và tắt máy. Sau đó tài khoản ngân hàng bỗng nhiên trừ 73 triệu đồng…”.

 Bài viết chia sẻ việc bị trừ tiền tài khoản khi nghe cuộc gọi điện thoại từ FlashAI. 

Những thông tin dạng như vậy đã xuất hiện trên mạng xã hội từ lâu nhưng mới rộ trở lại trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia và đơn vị chức năng trong lĩnh vực này, các thông tin lan truyền trên là thông tin giả, không chính xác.

“Tại Việt Nam, không có bất kỳ dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền, bao gồm cả cuộc gọi từ quốc tế. Việc gọi lại hoặc thao tác bấm *#90 hoặc #09* rồi bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại của người dùng là không có cơ sở. Không thể xâm nhập được SIM điện thoại của người dùng dù thực hiện thao tác như trên”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

“Người dùng chỉ mất tiền tài khoản ngân hàng khi nhấn phím theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, rồi làm theo dẫn dụ của chúng như vào đường link, hay tải file mã độc, hay app độc hại, hoặc dẫn dụ đầu tư tài chính, hoặc bị đe dọa theo kiểu giả mạo công an.... thì lúc đấy mới bị lừa mất tiền”, Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) trao đổi.

Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần phải cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể nhận biết đâu là tin không chính xác, tin giả, tránh lan truyền những thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Hà Trang