Ngân hàng MB hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 9 tháng

9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng MB đã thực hiện được gần 90% chi tiêu lợi nhuận cả năm. Cho vay khách hàng tăng tới 17,2% đạt 426.233 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1%.

Ngân hàng MB lãi hơn 18.000 tỷ đồng trong 9 tháng

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) lãi trước thuế gần 18.192 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 53% so với cùng kỳ, nhờ cắt giảm 26% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. So với kế hoạch 20,300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, ngân hàng MB đã thực hiện được gần 90% sau 9 tháng.

Lãi tăng, nợ xấu tại MB cũng tăng không kém. Cụ thể, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 3/2022 tăng 35% so với đầu năm, lên mức 4.415 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,9% đầu năm lên 1,04% (tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống).

Ngoài ra, chỉ tiêu ngoại bảng cũng cho thấy, ngân hàng MB đang có hơn 139.769 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại thời điểm cuối quý 3/2022. Trong đó, ‘bảo lãnh vay vốn’ hơn 159 tỷ đồng; ‘cam kết trong nghiệp vụ L/C’ ghi nhận hơn 31.311 tỷ đồng, cao gấp 197 lần bảo lãnh vay vốn; còn ‘bảo lãnh khác’ ghi nhận hơn 108.299 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần cam kết nghiệp vụ L/C.

Khả năng gặp rủi ro tại MB cũng khá cao khi ‘nghĩa vụ nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ tính đến cuối quý 3/2022 chiếm đến 33%, đồng thời tỷ trọng ‘bảo lãnh khác’ chiếm 77,5% tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 tại MB

Chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính của ngân hàng là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nghiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng. 

Cho vay khách hàng tại ngân hàng MB tăng tới 17,2%

Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản tại ngân hàng MB ghi nhận tăng 8,2% đạt 656.800 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng giảm 2% xuống còn 377.145 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng trưởng 17,2%, đạt 426.233 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng lại giảm 2%, chỉ còn 377.145 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng MB đang cho vay cao gấp 1,13 lần số lượng tiền gửi của khách hàng gửi vào ngân hàng này. 

Lợi nhuận các ngân hàng được đóng góp chủ yếu bởi nguồn thu nhập lãi cho vay. Do đó, nếu cho vay quá ít so với số vốn huy động được, chứng tỏ ngân hàng chưa tối ưu tốt hoạt động kinh doanh chính. Vì vậy, những ngân hàng có dư nợ cho vay cao hơn tiền gửi thể hiện hoạt động cho vay rất sôi nổi, tận dụng tối đa nguồn vốn huy động của ngân hàng để nâng cao lợi nhuận. Thế nhưng, nếu cho vay quá nhiều hơn lượng tiền gửi khách hàng sẽ ảnh hưởng tới tính thanh khoản của ngân hàng. Trường hợp phát sinh những tình huống ngoài dự kiến, ngân hàng dễ gặp phải vấn đề thanh khoản.

Để huy động thêm vốn phục vụ hoạt động cho vay, tại MB và nhiều ngân hàng khác buộc phải mạnh tay phát hành các loại giấy tờ có giá như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu,... Theo đó, tính đến cuối quý 3/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại MB giảm 2%, nhưng phát hành giấy tờ có giá tăng tới 52% so với đầu năm, ghi nhận 101.773 tỷ đồng (chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi được hưởng lãi suất từ 1%/năm đến 8,5%/năm).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022 tại MB

Bên cạnh việc tăng cường phát hành giấy tờ có giá, ngân hàng MB và nhiều nhà băng khác cũng đã tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi về.

Hà Phương