Sáng tạo không gian trưng bày văn hóa Nhật Bản tại phố cổ Hội An

Tái hiện mối tình đẹp của công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sataro, giới thiệu hiện vật liên quan tới ngài Sugi Ryotaro… là những điểm nhấn giúp nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản (TP Hội An) nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn.

Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa mở cửa nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản nhân tuần lễ giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 18 - năm 2022. Điểm đến mới này tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhanh chóng thu hút hàng ngàn người tới check in, tham quan.

 Nhà trưng bày Văn hóa Nhật Bản tại phố cổ Hội An.

Bên trong nhà trưng bày là không gian trình diễn, trải nghiệm các sinh hoạt, trò chơi, sản phẩm văn hóa đặc sắc của Nhật Bản như trà đạo, gấp giấy Origami, truyện tranh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trang trí nghệ thuật theo hướng tinh giản.

 Du khách hào hứng trải nghiệm nghệ thuật gấp giấy Origami tại nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản trong phố cổ Hội An.

Đến nhà trưng bày, du khách có cơ hội tiếp cận với nhiều tranh ảnh, hiện vật liên quan tới Ngài Sugi Ryotaro – Nguyên Đại sứ đặc biệt Việt – Nhật. Ngài Sugi Ryotaro là người đã đóng góp to lớn trong việc thắt chặt kết nối Việt Nam – Nhật Bản những năm qua.

Trưng bày búp bê Nhật Bản tại nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản trong phố cổ Hội An.

Không chỉ có các hiện vật, nhà trưng bày còn tái hiện sống động đám cưới thế kỷ giữa Công nữ Ngọc Hoa và thương gia Nhật Bản Araki Sataro từ 400 năm trước. Đám cưới đã mở ra một không gian trưng bày sáng tạo về văn hóa hai nước Việt – Nhật. Du khách không khỏi thích thú với câu chuyện lịch sử được kể qua các vai diễn.

 Tái hiện mối tình đẹp của Công nữ Ngọc Hoa và thương gia Araki Sataro tại nhà Trưng bày văn hóa Nhật Bản trong phố cổ Hội An.

Công nữ Ngọc Hoa – con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho thương gia Nhật buôn bán tại cảng thị Hội An (năm 1618). Năm 1620, Ngọc Hoa theo chồng về Nhật Bản sinh sống. Người dân Hội An ca tụng Công nữ khi về sống tại Nhật Bản làm dâu “xứ sở Phù Tang” vẫn truyền dạy những điệu múa An Nam, nữ công gia chánh, bày biện, có công Chẩn tế cho người Nhật.

 Đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương gia Araki Sataro được tái hiện công phu tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại phố cổ Hội An.

Giây phút chia tay của Công nữ Ngọc Hoa với gia đình trước khi lên đường sang Nhật Bản về nhà chồng được tái hiện đầy xúc động. Hình ảnh công nữ cùng chồng bước lên thuyền “sang ngang” đến Nagasaki (Nhật Bản) với ánh mắt hướng về quê hương mang phẩm cách của phụ nữ và con người Việt Nam.

 Công nữ Ngọc Hoa theo chồng, mắt không thôi dõi về quê hương.

Câu chuyện này cũng thường được tái hiện vào tháng 10 hàng năm trong lễ hội Okunchi - một trong 8 lễ hội mùa thu nổi tiếng nhất Nhật Bản tổ chức tại Nagasaki với hai diễn viên nhí đóng vai Araki Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa xinh đẹp.

Công nữ Ngọc Hoa được người Nhật yêu quý, gọi bằng tên thân mật Anio. Đám cưới này đã giúp mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thêm gắn kết, thúc đẩy giao thương mạnh mẽ giữa hai nước từ rất sớm.

 Công nữ Ngọc Hoa lên thuyền sang Nhật Bản được tái hiện trong không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An.

Tại phố cổ hiện cũng có con đường mang trên Công nữ Ngọc Hoa - người Việt đầu tiên lấy chồng Nhật. Con đường chạy dọc dòng sông Hoài từ cầu gỗ nhỏ trước Chùa Cầu đến quảng trường là điểm đến check in Hội An lý tưởng của nhiều bạn trẻ.

Bảo Hòa