Gian nan giữ nghề dệt thổ cẩm ở buôn làng B’ner C

Buôn làng B’ner C ở huyện Lạc Dương dưới chân núi Langbiang có nghề dệt lâu đời . Nơi đó, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của người CơHo Cil.

 Thiếu nữ CơHo bên trang phục truyền thống tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế công nghiệp, nghề dệt của người CơHo đang đứng trước nguy cơ dần bị thu hẹp và mai một.

Tinh hoa được dệt bằng cả trái tim 

Từ xưa đến nay, sản phẩm vải thổ cẩm có vị trí quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người CơHo. Nghề dệt của người CơHo không chỉ giúp họ tự cung, tự cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn góp phần cải thiện kinh tế cho nhiều hộ gia đình, bảo tồn được bản sắc văn hóa mang nét độc đáo của dân tộc mình.

Ngày trước, do đời sống khó khăn, mọi thứ đều phải tự sản xuất nên người đồng bào trồng bông để lấy sợi làm nguyên liệu dệt vải, tự may quần áo mặc... Để nhuộm màu vải, họ đã dùng các loại củ, quả, lá và thân cây để tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Tất cả đều được lấy từ trong tự nhiên như củ nghệ, hạt quả cari, cây lốt, cây drửm… Theo kinh nghiệm lâu năm của người dân tộc, để giữ bền màu khi nhuộm, họ cho thêm bột vỏ sò và tro củ chuối vào nước nhuộm sợi. 

Bà Cơ Liềng K Phước bên khung dệt vào những ngày mùa nông nhàn.

Ở làng B’ner C, bà Cơ Liềng K Phước (SN 1962) đã theo mẹ dệt vải từ lúc 12 tuổi. Ngày nay, khi nghề dệt bị ảnh hưởng bởi công nghiệp may mặc, không còn chỗ đứng và đầu ra ổn định như trước, để giữ lấy nghề, những người phụ nữ CơHo Cil như bà dần chuyển sang dệt bằng sợi len tổng hợp để giảm bớt chi phí và chỉ làm vào thời gian rảnh rỗi hay có người đặt hàng. Họ không còn dệt thường xuyên giống xưa kia nữa.

Ông Rơ Ông Ha Mừng (1958) chồng của bà K Phước vẫn ủng hộ bà theo nghề để con cái còn động lực giữ nghề, dù ông phải đi làm nương rẫy thuê ở nhiều nơi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và có điều kiện để nuôi sống “đứa con tinh thần” cùng vợ, để có cái nghề vui buồn lúc tuổi già…

Công cụ dệt của người CơHo khá đơn giản, bao gồm: Cán bông, bật bông, xa quay sợi, hai khung cuốn sợi, khung căng sợi và bộ khung dệt gồm 12 thanh lớn nhỏ khác nhau, mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng. Khung dệt không đặt cố định và nhìn khá đơn giản, nó được làm bằng thanh gỗ, thanh tre nứa bào nhẵn, khoan lỗ và móc nối với các sợi chỉ, giữ bằng chân, dệt bằng tay.

Bà Cơ Liềng K Phước chia sẻ: "Trước hết, người dệt phải dựng khung và căng sợi lên khung. Khung căng sợi của người CơHo cũng khá đơn giản: chỉ là 2 thanh gỗ dài khoảng 1.5 – 2m được cài móc cố định vào 2 chiếc ghế cao làm khung. Khi căng sợi, người dệt chỉ buộc một đầu sợi vào 1 thanh gỗ dài ở phía bên này khung và bắt đầu kéo luồn sợi qua lại sang thanh bên kia khung sao cho căng và dàn đều là được".

Vất vả giữ nghề

Có thể nói, làng B’ner C là một trong số ít ỏi những làng dệt thủ công của người CơHo tại tỉnh Lâm Đồng vẫn được duy trì và còn đông đúc nghệ nhân hăng say bên khung dệt. Nhà nào cũng có người biết dệt, khắp xóm làng đều thấy mặc trang phục từ nghề truyền thống này…

Chị Rơ Ông K Trang, người dân trong làng tâm sự: "Chỉ vì thu nhập từ dệt không còn được như xưa nên bắt buộc chúng tôi phải đi làm thêm bên ngoài để có tiền nuôi các con ăn học. Mặc dù làm cà phê hiện nay trở thành nghề chính, tôi vẫn cố gắng giữ lấy “nghề phụ” mà trước kia nó mang lại cái sinh tồn cho buôn."

Đồng bào người Cil quyết giữ lấy nghề truyền thống của ông cha 
Hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm của người CơHo Cil

Chị Rơ Ông K Trang cho biết khi dệt, người phụ nữ CơHo phải ngồi trên nền sàn, hai chân duỗi thẳng đạp và giữ chặt một thanh chỉ của khung dệt (gọi là đưng-pong) và một thanh chủ khác được dùng dây móc vào lưng người dệt để cố định và kéo căng khung sợi. Các thanh khác tùy theo chức năng của chúng mà luồn rất khéo vào giữa giàn sợi. Họ vừa dệt vừa tạo hoa văn trên tấm vải theo ý muốn bằng nhiều thanh lột-may (lột mẹ) và lột uôn (lột con)…

 Dệt 1 tấm vải thổ cẩm bề dài 1m5 và ngang 1m2 thường mất 1 tuần, nếu may ra thành phẩm có giá từ 1 triệu.

Những họa tiết chủ yếu là những vật dụng hết sức gần gũi, thân thương gắn bó trong cuộc sống thường nhật như cầu thang, nhà sàn, con thuyền, mũi chông, cán xà quạt, con người, muông thú… Hoạ tiết đều được thể hiện rất tự nhiên, sinh động.

Khi “cơn bão” thị trường quét qua, sản phẩm thổ cẩm được làm bằng cả trái tim chân chất của người phụ nữ Cil ở buôn B’ner C không thể cạnh tranh với sản phẩm may mặc công nghiệp. Nhưng nghề dệt thủ công của người CơHo vẫn tiếp tục được duy trì và dần thích ứng với kinh tế thị trường.

Sản phẩm làm ra rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo tốt về chất lượng với giá cả hợp lý. Trải qua bao thập kỷ, nghề dệt đã góp phần mang những tinh hoa của người dân tộc Cil dưới chân núi Langbiang nói riêng và đồng bào người CơHo tại Lâm Đồng nói chung được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Minh Hà