Gia Lai: Rừng thông cổ thụ bị đục khoét khiến cây chết khô

Hàng trăm cây thông ở 2 xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) thường xuyên bị người dân đục khoét quanh thân lấy nhựa khiến cây chết khô, gãy đổ, một số cây còn bị đốt cháy đen.

Theo tìm hiểu, rừng cây thông cổ thụ này có diện tích khoảng 200ha, được trồng từ năm 1990, nằm gần dự án sân golf của Tập đoàn FLC tại Đắk Đoa do UBND xã Glar và xã Tân Bình quản lý.

Hơn 300 cây thông thuộc 2 xã Glar và Tân Bình chết khô vì bị đục khoét sâu vào thân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cánh rừng thông cổ thụ này đã chết dần. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, có hơn 300 cây thông thuộc 2 xã Glar và Tân Bình đã và đang chết dần. Trong đó có hơn 100 cây có dấu hiệu mới bị đẽo. Nhiều cây bị đục khoét sâu vào thân cây, ứa nhựa, không còn khả năng sống sót. Có những cây đường kính 15-30cm bị đẽo từ dưới gốc cây lên đến thân cây gần cả mét.

Ông Sing – Chủ tịch UBND xã Glar cho biết diện tích rừng bị phá nằm giáp ranh 2 xã Glar và Tân Bình.

"Việc khoét thân cây thông đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc lực lượng chức năng không thể kịp thời phát giác, ngăn chặn hành động của người dân. Những vụ việc này xảy ra trong lúc người dân đi làm về, hay đi lấy nước tranh thủ ghé vào rừng thông, đẽo vài thân cây để lấy ngo về nhóm bếp lửa, làm chất đốt. UBND xã cũng đã nhiều lần quán triệt, tuyên truyền, vận động người dân không được xâm hại đến cây thông", ông Sing cho hay.

Người dân đi làm về hay tranh thủ ghé vào rừng thông, đẽo vài thân cây để lấy ngo về nhóm bếp lửa, làm chất đốt. 

Được biết, rừng thông cổ thụ nơi đây được ví như “lá phổi” điều hoà không khí cho thị trấn Đắk Đoa. Đây là nơi được quy hoạch làm dự án nhưng chưa được giao cho doanh nghiệp nào nên vẫn do 2 xã Glar và Tân Bình quản lý. Cần sớm tìm hướng khắc phục và giải quyết triệt để tình trạng người dân đục khoét thân cây để rừng thông cổ thụ không bị “bức tử” kiệt quệ, xác xơ như hiện tại.

Bích Loan