TP.HCM cần đi đầu trong việc phát triển kinh tế số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định TP.HCM cần nỗ lực tìm tòi cái mới trong việc phát triển kinh tế số, nhất là giai đoạn 2022 - 2023.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 diễn ra ngày 15/4, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thể chế để vào năm 2025, giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch giấy. Giao dịch trực tuyến nhanh hơn và rẻ hơn giao dịch giấy, vì thế, giao dịch trực tuyến sẽ thay thế giao dịch giấy. TP.HCM cần đi đầu và cụ thể hóa những vấn đề này ngay trong giai đoạn 2022 – 2023.

Theo đó, về chính quyền số, ông Dũng cho rằng điểm đột phá nhất vẫn là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cách làm của TP.HCM thời gian qua là triển khai phân tán theo từng quận, huyện. Điều này giúp thành phố trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến.

“Để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và xa hơn nữa là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng tương đương các thành phố dẫn đầu trong khu vực, TP.HCM vẫn cần nỗ lực tìm tòi cách làm mới. Chẳng hạn, nhanh chóng hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến với hệ thống một cửa điện tử đang phân tán hiện nay thành một nền tảng giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn thành phố”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Huy Dũng -  Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về kinh tế số, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, chiến lược quốc gia đã xác định rõ nội hàm kinh tế số Việt Nam có 3 thành phần bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; và kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, TP.HCM đủ tiềm năng để phát triển toàn diện cả 3 thành phần kinh tế số. Dư địa phát triển kinh tế số TP.HCM trong ngắn hạn và trung hạn nằm ở phát triển kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Nhưng để phát triển kinh tế số thì TP.HCM cần thu hút được nhân tài. Các trung tâm công nghệ lớn thường được đặt xung quanh các trung tâm giáo dục lớn về khoa học - công nghệ để tận dụng nhân lực từ những cơ sở này.

“TP.HCM hãy xem một trong những việc đáng làm nhất để phát triển kinh tế số là thu hút nhân tài công nghệ từ khắp thế giới về khởi nghiệp, làm việc ở TP.HCM bằng các cơ chế chính sách ưu đãi thực tế và thực sự hấp dẫn. Đây là cách căn cơ và nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng lưu ý, chuyển đổi số không phải là thêm việc mới, mà chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới để giải quyết những vấn đề đang gặp phải và lâu nay chưa có cơ hội để giải quyết được, còn những vấn đề thời gian qua chỉ là một lát cắt của các Chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Lý Tuấn