Tản mạn cuối năm: Người trồng và mua hoa ngày Tết!

(SHTT) - Chiều cuối năm! Vòng quay thời gian chuẩn bị khép lại một chu kỳ. Dù lặng lẽ hay ồn ào, 365 ngày sắp trôi qua cũng chứa đủ những cung bậc cảm xúc của cuộc đời, hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại, hi vọng… ngay lúc này thì trong tôi lại ùa về những ký ức của những ngày Tết xưa.

Năm nay, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, dường như sự náo nhiệt của Tết truyền thống về chậm hơn nhiều so với các năm. Những chậu hoa, cành đào, chậu quất Tết bonsai... sự hối hả của kẻ mua người bán dọc con phố Lạc Long Quân, nơi tôi làm việc cũng đâu đó như đang chơi trò chơi trốn tìm giữa phố thị ồn ào của Thủ đô.

 Chợ hoa ngày Tết là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam

Nhớ lại ngày giáp Tết của những năm trước, người người nhà nhà nô nức cùng nhau đi thưởng hoa và tìm sắm cho gia đình những chậu cây bày trí trong nhà. Người đi chợ hoa không chỉ để chọn một cành đào, chậu quất mà còn là dịp tìm những phút giây thư thái trong tâm hồn, hi vọng về một mùa xuân đầm ấp, hạnh phúc và cùng nhau chào đón năm mới an khang, thịnh vượng. Thói quen đó đã khiến những chợ hoa Tết trở thành nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam và trở thành nỗi lòng của những người trồng hoa.

Không phải tự nhiên để nói thế, nếu người công nhân, viên chức được xả hơi ngày nghỉ tết hiếm hoi thì đối với người dân trồng hoa mùa Tết, đây là vụ mùa cho kế sinh nhai của họ.

Vẫn cầm ly trà nóng trên tay, tôi lại miên man về cái nghề trồng hoa Tết, tưởng đâu nghề trồng hoa đơn giản lắm nhưng thực sự lại khó khăn vô cùng. Bỏ lại phía sau là những lo toan của ngày Tết, gia đình chưa chưng được mâm ngũ quả, nhà cửa vẫn chưa dọn xong và vẫn chưa có mâm cơm đoàn viên đầy đủ các thành viên, người nông dân trồng hoa ngày ngày chăm chút tạo điều kiện tốt nhất cho những bông hoa ấy phát triển. Rồi đến khi đứa con tinh thần ấy hé những nụ hoa đầu tiên người nông dân cảm thấy vui, thấy hạnh phúc như những vất vả đã biến đi mất. Nghĩ đến những giọt mồ hơi ướt đầy lưng áo rơi xuống những cánh hoa tôi thấy thương và cảm thông cho họ.

Mỗi vụ hoa Tết, các nhà vườn như đang chơi một ván cược lớn 

 Mấy ai biết, nghề trồng hoa như một "ván cược", nhưng những người trồng hoa vẫn mang tình yêu sâu sắc với nghề và gắn liền tình yêu ấy cho mỗi bông hoa, chậu hoa bao nhiêu năm qua.

Không phải năm nào cũng mưa thuận gió hòa. Năm nào thời tiết thuận lợi họ thấy mừng, nhưng năm thời tiết khắc nghiệt họ lại lo. Những giỏ hoa tàn ấy như treo thêm gánh nặng trên lưng người nông dân luôn trông mưa, trông nắng.

Bên cạnh những nỗi lo trông trời, trông đất, năm nay nỗi lo từ đại dịch Covid-19 cũng khiến người trồng hoa thêm buồn. Liệu rằng sau một năm vất vả chống dịch, khách có còn ghé mua hoa vườn nhà? Rồi liệu rằng những phiên chợ hoa Tết có đủ mua cho lũ trẻ tấm áo mới vui vầy ngày Xuân sang? Trăm mối lo dồn vào những cành hoa rực rỡ những chiều cuối năm nhộn nhịp nhưng kết quả thắng lợi hay thua lỗ sẽ còn phụ thuộc vào vô số yếu tố khách quan.

 

Theo quan điểm của riêng tôi, trồng hoa là nghề cực khổ lắm, trồng được đã khó, làm vừa lòng khách hàng bằng sản phẩm của mình còn khó hơn. Thế mới thấy được rằng, người trồng hoa họ đâu chỉ trồng hoa chỉ vì lợi ích cho riêng mình, những chậu hoa ấy rồi sẽ trở thành món ăn tinh thần cho ngày Tết của mọi nhà và mang thêm sắc, thêm hương giúp cho ngày xuân thêm vẹn tròn.

Rời khỏi quán nước vỉa hè, tôi rảo bước trên con phố Lạc Long Quân quen thuộc nhưng đâu đó hình ảnh của những người nông dân một nắng hai sương trên những ruộng hoa vẫn quanh quẩn trong tôi. Tết Nguyên Đán chỉ còn đếm bằng ngày, chúc cho những người trồng hoa nhanh bán hết những chậu hoa Tết để mau chóng về bên gia đình đón một mùa xuân trọn vẹn, an lành và hạnh phúc.

Mong rằng đại dịch Covid-19 sớm qua đi để những giọt mồ hôi của người nông dân có được thành quả, không phải trông cảnh người mua hoa nhẫn nại chờ đến tối 30 để mua được lộc Xuân về nhà.

 Bùi Hợp