Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong tuyển dụng sử dụng cán bộ?

(SHTT) Vừa qua, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo nhận được phản ánh của bạn đọc về những dấu hiện sai phạm trong công tác tuyển dụng, tổ chức quản lý cán bộ. Thiếu công khai minh bạch trong việc quản lý, sử dụng cán bộ tại Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội).

Tuyển ồ ạt, rồi sa thải hàng loạt người lao động

Theo đơn của anh Phạm Văn Định (Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức), từ năm 2013 qua thông tin anh được biết Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội có nhu cầu tuyển hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ làm nhiệm vụ bảo vệ tại trạm kiểm lâm Hương Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức). Sau thời gian vào làm thử việc. Đến ngày 28 tháng 6 năm 2013 anh được ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68 với Sở NN&PTNT Hà Nội và được Chi cục kiểm lâm Hà Nội phân công về làm việc tại Trạm Kiểm lâm Hương Sơn thuộc Hạt kiểm lâm Mỹ Đức.

Từ ngày ký hợp đồng lao động đến nay anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đã ký trong họp đồng và nhiệm vụ lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức phân công như: tham gia trực phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), tham gia chữa cháy rừng khi được huy động, hỗ trợ kiểm lâm viên làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Hàng năm anh luôn được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

  Quyết định số 1636/QĐ-SNN ngày 28/06/2013 tiếp nhận hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP năm 2013 do Giám đốc Sở NN&PTNT ký.

Tuy nhiên, ngày 17/5/2021 anh được Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Mỹ Đức thông báo là mình nằm trong danh sách người chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ (Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo anh Phạm Văn Định, hiện nay gia đình anh gặp nhiều khó khăn, bố mẹ đã nhiều tuổi, vợ không có công ăn việc làm ổn định, phải nuôi con nhỏ chưa được 2 tuổi và vợ chuẩn bị sinh bé thứ hai, nguồn thu nhập chính hàng tháng phụ thuộc chính vào thu nhập hàng tháng của anh. Việc chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ là hoàn toàn không hợp lý.

  Hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của anh Phạm Văn Định.

Tương tự, chị Dương Thị Mai Hoa cũng được ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68 với Sở NN&PTNT Hà Nội, trước khi bị “sa thải” chị làm bảo vệ kiêm kế toán ở Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức. Tuy nhiên ngày 1/7/2021 chị cũng nhận được công văn chấm dứt hợp đồng lao động.

Chia sẻ với phóng viên chị Hoa cho biết: Vừa qua “Hiện Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội có 5 người được giữ nguyên là ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, điều lạ là những người này ký vào năm 2016, nghĩa là vào sau tôi rất nhiều năm nhưng Chi cục lại giữ nguyên họ được ký theo Nghị định 68. Chúng tôi đã mất bao nhiêu năm cống hiến cả tuổi trẻ cho Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội nhưng giờ không được phân công công việc, bị chấp dứt hợp đồng”.

Liệu có ưu ái người nhà?

Anh Phạm Văn Định băn khoăn tại Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội hiện tại có 38 hợp đồng bảo vệ theo Nghị định số 68 mà lại chỉ chuyển có 27 trường hợp (phải theo Nghị định 161) giữ lại 11 trường hợp mà không dựa theo tiêu chuẩn gì rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu áp đặt tính cá nhân vào thực hiện.

Đặc biệt trường hợp chị Lê Thị H, anh Định cho biết: đến năm 2016 mới ký hợp đồng theo Nghị định 68, trước là hợp đồng chuyên môn ký 3 tháng một, đồng chí này nghỉ 2 năm sau đó năm 2016 mới ký lại. Tính về thời gian công tác ký hợp đồng theo Nghị định 68 còn thua chúng tôi, khi tôi mang thắc mắc với Lê Minh Tuyên, ông Tuyên có nói đó là “cháu ông Mỹ” (Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội).

 Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội - Ba La, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội

Theo anh Định “Có một số trường hợp là cháu, người thân của một đồng chi - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội, là Nguyễn Ngọc L, Lê Thị D, Lê Ngọc M vào năm 2016, có thâm niên công tác ít hơn nhưng vẫn được giữ theo Nghị định 68. Những người này tuyển vào làm bảo vệ nhưng thực chất không ai làm bảo vệ. Hay như trường hợp ở văn phòng Chi cục, gồm chị Phạm Ngọc L, Đặng Thị Thu T, Đặng Văn D, thì có mỗi anh D làm bảo vệ, còn những người kia không làm… đây là việc tuyển vào một đằng nhưng sử dụng một nẻo, sai vị trí việc làm. Trường hợp ông Bùi Đình H tuyển vào làm lái xe nhưng lại làm kế toán tiền lương”.

Có thể thấy công tác quản lý cán bộ, người lao động tại Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội đã và đang có nhiều dấu hỏi lớn. Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về việc thời điểm Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội ký hợp đồng 68 từ năm 2013 hay 2016 có lập đề án, kế hoạch... trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không? Tại văn bản, ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ trả lời “đã xây dựng đề án tổ chức và thực hiện đúng các quy trình thủ tục và được UBND thành phố phê duyệt”. Tuy nhiên không có bất cứ văn bản gì chứng minh điều đó kèm theo.

 Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Nội chỉ trả lời bằng văn bản nhưng không cung cấp các giấy tờ, văn bản kèm theo.

Về câu hỏi tại sao giữ người này mà chuyển người kia, ông Tuyên cho rằng, “Trong đợt 1 chưa chuyển những đồng chí có nhiều thời gian công tác; các đồng chí đang nghỉ thai sản theo chế độ và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người có bệnh tật, đang trong quá trình điều trị (nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe công tác), các đồng chí đang có nguyện vọng xin chuyển vị trí, công tác".

Cũng tại văn bản trả lời báo chí, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết "Đã thực hiện đầy đủ đúng trình tự, thủ tục công khai minh bạch”, tuy nhiên trao đổi với phóng viên, theo anh Phạm Văn Định cho biết “Công văn số 276/KL-TCHC ngày 14/5/2021 chỉ nói là 27 trường hợp phải chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định 161, còn chúng tôi chưa nhận công văn hay cuộc họp nào công bố tiêu chí xét duyệt để chuyển hợp đồng 161 cả. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ không biết tại sao phải chuyển sang Nghị định 161, ban đầu Chi cục làm cũng không có bất kỳ tiêu chí gì”.

Có thể thấy việc giới hạn quyền tiếp cận thông tin báo chí, báo chí không được trao đổi trả lời trực tiếp, chỉ trả lời bằng văn bản nhưng không cung cấp các công văn, giấy tờ chứng minh kèm theo khiến dư luận đang đặt câu hỏi có hay không việc Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội đang cố tình ém thông tin về tuyển dụng sử dụng cán bộ? Cố tình không muốn tiết lộ các văn bản thể hiện việc mình có lập đề án, kế hoạch và các văn bản cho phép tuyển dụng, sử dụng lao động được các cấp có thẩm quyền phê duyệt?

 Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Nội. Ảnh: vnexpress.net

Việc tuyển dụng lao động có trình độ đại học, bằng cấp thậm chí không liên quan đến hoạt động bảo vệ, nhưng lại vào vị trí “Nhân viên bảo vệ” liệu có phù hợp với quy định. Quyết định số 1636/QĐ-SNN ngày 28/06/2013 tiếp nhận hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP năm 2013 do Giám đốc Sở NN&PTNT thời điểm đó ký, giờ ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tự ký văn bản số 402/KL-TCHC ngày 30/06/2021 về chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức "khẩn trương, nghiêm túc thực hiện" liệu có vượt thẩm quyền và vội vàng đẩy người lao động nhiều năm cống hiến đến chỗ không có việc làm? Việc tự ý lập danh sách 27 người sang ký hợp đồng theo Nghị định 161 mà không tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người lao động liệu có vi phạm Quy chế Dân chủ ở cơ sở?

Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội tuyển người theo Nghị định 68 một cách ồ ạt, rồi sắp xếp việc làm không đúng vị trí được tuyển (làm bảo vệ) liệu có đúng với quy định về sử dụng cán bộ gắn với vị trí việc làm của thành phố? Chi cục đưa tiêu chí công tác lâu năm nhưng lại loại những người công tác từ năm 2013 và giữ lại người vào năm 2016 liệu có khách quan? Việc giữ lại một số cán bộ được cho “người nhà” của Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội ở lại theo hợp đồng Nghị định 68 và “loại bỏ” anh Định và chị Hoa có nhiều năm công tác hơn liệu có hợp tình hợp lý?

Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Nhóm PV