SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 10/11/2024
  • Click để copy

Ý tưởng sáng tạo 'biến' sông Tô Lịch thành công viên: Tháo gỡ được vấn đề vốn và quản lý khai thác?

10:17, 02/10/2020
(SHTT) - Cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản là ý tưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Dự án này sẽ tháo gỡ được vấn đề cố hữu là vốn và quản lý khai thác?

Mới đây, ngày 15/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có công văn báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản.

Đề xuất trên đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và của dư luận xã hội. Dù dự án đang được đề xuất, nhưng cho thấy một số động thái tích cực về dự án lần này của JVE.

Ý tưởng đề xuất

Hướng tới hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có đặt ra mục tiêu là “Tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước... ”, JVE cùng đối tác là một trong những Tổng thầu lớn nhất Nhật Bản đã xây dựng Đề án “Giải pháp tổng thể” để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

jve - mo-hinh-cong-vien-to-lich-2-1600233741401

Hình ảnh mô phỏng sông Tô Lịch sau khi được cải tạo thành công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh. Ảnh: JVE. 

Cụ thể, theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Theo ý tưởng của JVE, thời gian tới, đơn vị này sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án.

Ngoài ra, dự án sẽ lắng nghe mọi ý kiến đóng góp khách quan của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến các vấn đề về dữ liệu lịch sử, văn hoá liên quan; vấn đề xử lý nước thải; vấn đề thoát lũ chống ngập... với cùng một mục tiêu chung là làm “sống lại” và “hồi sinh” dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chuyên gia, nhà sử học ủng hộ

Liên quan đến đề xuất trên, ngày 22/9, theo Dân trí, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khôi phục sông Tô Lịch được một phần nào đó trong điều kiện cho phép đã là điều rất đáng hoan nghênh.

duong-trung-quoc-1600782093166

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Dân Trí.

Theo ông Quốc, sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng.

Ông Quốc nói: "Tôi cho rằng ý tưởng cải tạo được dòng sông này là khá tốt, bởi sau một thời gian khá dài nó bị lãng quên, nó bị xâm hại… Cách đây một thời gian rất dài chúng ta cũng có ý tưởng phục hồi một phần nào dòng sông này nhưng rồi cũng trục trặc. Đến khi sử dụng công nghệ của nước ngoài, nhất là của Nhật Bản để thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch tôi hoan nghênh. Họ thử nghiệm tôi thấy có hiệu quả bước đầu, rất tiếc sau đó có những trục trặc không đáng có khiến dự án phải dừng lại".

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan, mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc “biến” một nguồn tài nguyên đã chết thành một nguồn tài nguyên sống.

giao-su-dang-huy-huynh-1600782093461

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: Dân Trí.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết: “Đứng ở mặt khoa học, nhân văn và môi trường, tôi rất ủng hộ dự án này. Thực tế biến dòng sông thành điểm du lịch có yếu tố tâm linh thì các nước trên thế giới đã làm".

Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh lưu ý, việc triển khai dự án phải trên tinh thần vừa làm vừa phải học chứ không phải làm một lúc, bởi vì dòng sông Tô Lịch đã ô nhiễm trầm trọng. Việc giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều.

"Áp dụng công nghệ nào cũng vậy, đều phải có sự hài hoà giữa thiên nhiên môi trường với văn hoá Hà Nội. Mà giải quyết được vấn đề này thì bản thân chúng tôi cũng muốn thành phố ủng hộ", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết.

Vấn đề này, theo Thanh Niên, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), bày tỏ quan điểm ủng hộ việc hồi sinh sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, GS Hồng cho rằng, nếu triển khai, dự án của Công ty JVE chỉ nên thực hiện trên diện tích đất hiện có của dòng sông, không nên lấy thêm. Bên cạnh đó, ông cũng băn khoăn để có kinh phí duy trì sức sống cho dự án hồi sinh sông Tô Lịch, cần tính toán làm sao để có tiền, và cần rõ ràng nhất là cơ chế phối hợp giữa Công ty thoát nước Hà Nội và Công ty JVE, theo đó, vai trò của lãnh đạo TP.Hà Nội là rất quan trọng nếu muốn hồi sinh sông Tô Lịch.

Vị GS bày tỏ: “Tôi băn khoăn nhất là giải quyết triệt để được 2 vấn đề: thực trạng ô nhiễm dòng sông hiện nay và làm sao để duy trì bổ cập nước sạch thường xuyên cho sông Tô Lịch? Có thể tận dụng nguồn nước thải của TP được thu gom qua hệ thống cống riêng về Nhà máy xử lý nước Yên Xá đang xây dựng, sau xử lý đạt tiêu chuẩn thì dẫn ngược lại sông Tô Lịch thay vì đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy như dự kiến hiện nay. Hoặc TP.Hà Nội với Bộ NN-PTNT phối hợp dẫn nước sông Hồng về hồ Tây rồi bổ cập nước cho sông Tô Lịch thường xuyên, tạo dòng chảy khi dòng sông đã được xử lý triệt để ô nhiễm. Có nước lưu thông, dòng sông mới trong xanh, mới là dòng sông sống đúng nghĩa".

Còn KTS Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội băn khoăn về nguồn tiền thực hiện dự án. Theo vị KTS, trước khi Công ty JVE có ý tưởng dự án, đã có một số dự án về cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, hồi sinh dòng sông... từng tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chưa phát huy hiệu quả thực sự.

Tháo gỡ được vấn đề vốn và quản lý khai thác?

Trước những thông tin có tính chất phản biện, hoài nghi của giới khoa học và bạn đọc, đại diện JVE đã có giải thích, khẳng định rõ quan điểm của đơn vị này khi đề xuất dự án.

Trên Thanh Niên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty JVE, nói rằng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh là dự án công ích cho TP.Hà Nội, không phải để kinh doanh “BOT tâm linh”, cải tạo sông Tô Lịch thành công viên là công ích cho TP.Hà Nội.

jve-a Tuan

Ông Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty JVE (ngoài cùng bên trái), chia sẻ nhiều thông tin về dự án nhưng chưa nói rõ về nguồn tiền, tổng mức, tổng thầu dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (Ảnh: Lê Quân). 

Thông tin chính thức về dự án, ông Tuấn Anh khẳng định đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh sẽ không lấy thêm quỹ đất bên ngoài sông, nếu được thực hiện sẽ chỉ triển khai bên trong phạm vi sông.

Thời gian thực hiện nếu được phê duyệt sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021 - 2026. Dự án sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát 2 bờ sông tạo thành hành lang đi dạo bộ; không kè đáy sông mà để tự nhiên, giữ nguyên chiều rộng lòng sông.

Để xử lý ô nhiễm bên trong sông như mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ… sẽ sử dụng công nghệ Bio - Nano để phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây mùi hôi thối bốc lên.

Về phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập, Chủ tịch Công ty JVE cho biết, sẽ kết hợp đồng bộ với các dự án mà TP.Hà Nội đã và đang triển khai, như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo, tránh lãng phí đầu tư.

Đồng thời, dự kiến sẽ xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập cho lưu vực sông Tô Lịch (khoảng 77 km2) tương tự hệ thống tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản; và đi liền với việc xử lý ô nhiễm, hồi sinh dòng sông, sẽ xây dựng hệ thống cảnh quan Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh.

Về phương án tài chính, Chủ tịch Công ty JVE cho biết, sau khi được TP. Hà Nội phê duyệt, công ty này sẽ công bố chi tiết về nguồn vốn Nhật Bản, tổng mức đầu tư, đơn vị tổng thầu,… còn hiện nay mới chỉ ở giai đoạn xin chủ trương cho nghiên cứu nên chưa thể nói rõ.

ông Tuấn cũng khẳng định rõ, phương án quản lý khai thác sau đầu tư sẽ hoàn toàn do TP. Hà Nội quyết định.

Có thể thấy, với đề xuất làm sạch sông Tô Lịch lần này, JVE đã có sự chuẩn bị khá kỹ trong phương án đề xuất. Điểm tích cực đáng chú ý của đề xuất là vấn đề nguồn vốn và cơ chế quản lý khai thác đã được JVE đề xuất giải pháp, theo đó, nguồn vốn sẽ cho JVE bố trí (vốn Nhật Bản) và phương án quản lý khai thác sau đầu tư sẽ hoàn toàn do TP. Hà Nội quyết định.

Được biết, trước khi Công ty JVE có ý tưởng dự án, đã có một số dự án về cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, hồi sinh dòng sông... từng tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chưa phát huy hiệu quả thực sự. Hiện tại, sau nhiều ý tưởng thí điểm và kế hoạch áp dụng đối với sông Tô Lịch, theo khảo sát, sông Tô Lịch vẫn đang rất ô nhiễm. Nước sông chỉ một màu đen kèm theo bùn thải đen sì. Dọc con sông dài khoảng 15 km có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo thống kê của Sở TN-MT Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc cải tạo con sông là vấn đề cấp thiết.

Như đã đưa tin trước đó, liên quan đến thông tin Công ty Môi trường Việt - Nhật (JVE) đã "từ bỏ" việc xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, phía JVE đã phủ nhận: "Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. Phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong "cơ thể sống" của sông Tô Lịch".

Ngày 16/5/2019, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.

Tuy nhiên, vào ngày 9/7/2019, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25cm. Việc tiếp nhận nước từ hồ Tây khiến hệ toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi. Để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan, Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý kéo dài thêm 2 tháng.

Ngày 16/9/2019, lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá Koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Phúc Huy

Tin khác

Tin tức 31 phút trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đã có Công văn số 1809/KCB-PHCN&GĐ gửi Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện Giao thông vận tải yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến phản ánh “bát nháo khám sức khỏe” đi nước ngoài.
Tin tức 33 phút trước
(SHTT) - Hiện nay, trên các thùng rác công nghệ của Công ty CP Công nghệ xanh Goda xuất hiện nhiều quảng cáo nhưng chưa được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp phép.
Tin tức 34 phút trước
(SHTT) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đại diện từ hơn 50 quốc gia mới đây đã đưa ra lời cảnh báo chung tại Liên Hợp quốc về sự gia tăng của các cuộc tấn công mã độc tống tiền (ransomware) nhằm vào các bệnh viện trên toàn cầu.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Thạc sĩ Nguyễn Văn Thị, Viện sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp), cho biết trung bình tăng trưởng toàn khu vực rừng ngập mặn mỗi năm là 6,77 tấn một ha, tương đương với 24.8 tấn CO2.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Sáng 9/11 đã diễn ra lễ vận hành thương mại và nghi thức gắn biển khánh thành công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô đối với công trình tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.