SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả: Liệu có khả thi?

15:46, 05/03/2023
Hàng giả, hàng nhái có thể "sống khỏe" đến từ sự thỏa hiệp của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Nhưng nếu dễ xử lý những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thì việc xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả lại không dễ dàng vì chưa có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến, xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Hiện nay, các mặt hàng này hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp; từ những mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, hàng điện tử, nội thất… đến những mặt hàng ăn uống, chăm sóc sức khỏe như thuốc, bánh kẹo, rượu bia…; thậm chí giống cây trồng, phân bón, sách… cũng bị làm giả.

Mức phạt người sản xuất, bán hàng giả quá nhẹ

Để ngăn chặn điều này, nhiều năm qua lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực trong nhiệm vụ kiểm tra và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tràn lan ngoài thị trường. Minh chứng cho điều đó là hàng loạt vụ ra quân, truy quét các điểm kinh doanh, với hàng loạt cơ sở kinh doanh bị xử phạt, hàng ngàn sản phẩm nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng bị tịch thu, xử lý.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong năm 2022, các đội QLTT trên khắp cả nước đã  kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tổng cộng 72.641 vụ; phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 348,2 tỷ đồng.

z3848311862187_2c3d5472fd

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ các hàng hóa nghi giả mạo các thương hiệu lớn.

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng, tuy nhiên nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, bằng nhiều hình thức như online, sàn thương mại điện tử.

Thực tế, tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện còn "đất sống" vì đây là "mảnh đất" siêu lợi nhuận, trong khi chế tài xử lý người bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ và ít có tính răn đe. Từ đó, các đối tượng bất chấp để làm hàng giả hoặc sẵn sàng tiếp tục tái phạm.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả mà có những mức phạt khác nhau.

Cụ thể, đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 Nghị định, mức phạt từ 5 - 100 triệu đồng, người buôn bán bị phạt tiền từ 1 - 70 triệu đồng; đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này bị xử phạt từ 2 - 50 triệu đồng, còn người buôn bán bị phạt tiền từ 1 - 50 triệu đồng; hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền từ 500 nghìn - 50 triệu đồng; hành vi buôn bán bị phạt từ 300 nghìn - 30 triệu đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ (Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

7. “Hàng giả” gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn bị phạt tiền gấp đôi đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Ngoài phạt tiền, chủ thể có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn có thể bị áp dụng những hình phạt bổ sung và những biện pháp khắc phục hậu quả.

Nếu hành vi của chủ thể buôn bán hàng giả đủ cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 192: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả;

Điều 193: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

Điều 194: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;

Điều 195: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi;

Vì sao chưa có quy định xử phạt người tiêu dùng mua hàng giả?

Dù mức phạt vẫn còn nhẹ, tuy nhiên pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng trong việc xử phạt người sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

hang gia 1

 Những chiếc kính thương hiệu Chanel chỉ có giá từ 200 - 300 nghìn đồng.

Ngược lại, dù biết những sản phẩm đó là hàng giả, nhưng do tâm lý "sính ngoại", thích "làm màu" của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng mà hàng giả, hàng nhái có cơ hội "sống khỏe". Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác chống gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn, quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp sản phẩm bị xâm phạm.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có chế tài xử phạt với hành vi buôn bán hàng giả, mà chưa có quy định nào xử phạt người tiêu dùng. Điều đó cho thấy trước nay chúng ta chỉ chú trọng kiểm tra, xử phạt các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái mà bỏ qua nhóm đối tượng người mua hàng. Nếu người tiêu dùng không mua sản phẩm là hàng giả, hàng nhái thì những mặt hàng này sẽ không có điều kiện tồn tại, lưu thông ngoài thị trường.

Tháng 11/2022, tại buổi thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Đại biểu Hạnh đặt ra câu hỏi: Trong khi người bán hàng giả nếu bị phát hiện sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo luật, người cố tình mua hàng giả có vi phạm hay không? 

"Thực tế, nhiều hàng giả thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh.

Ngay sau đề xuất này, dư luận đã có những ý kiến trái chiều. Thế nhưng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại cho rằng đúng như bà Hạnh chia sẻ, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Vì vậy, để xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái cần xây dựng hệ thống pháp luật, hàng rào an ninh, an toàn bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Đặc biệt, cần có thể chế, chế tài pháp luật nghiêm khắc đối với người tiêu dùng cố tình mua sản phẩm là hàng giả, hàng nhái.

Liệu có khả thi?

Dù cần thiết phải có chế tài xử lý, nhưng việc xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả, hàng nhái cũng không dễ dàng. Bởi rất khó để phân biệt được liệu người tiêu dùng mua nhầm phải hàng giả mà không biết hay biết nhưng vẫn cố tình mua.

hang gia

Nhiều người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận mua vì giá thành thấp và mang hình ảnh thương hiệu lớn.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hào - Đoàn Luật sư TP.HCM, đề xuất xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả, hàng nhái rất khó để áp dụng. Bởi vì, có nhiều hàng hóa của các thương hiệu lớn với mức giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu nhưng được bán với giá vài trăm nghìn, vài triệu thì người mua rất dễ nhận biết đó là hàng giả, hàng nhái.

Còn có những mặt hàng, dịch vụ người mua hàng không thể biết được đó là hàng giả, ngay cả các cơ quan chức năng cũng cần phải có kết quả giám định của các cơ quan đủ điều kiện giám định mới giám phán quyết về chất lượng, nhãn hiệu, kiểu dáng đó là giả.

“Giả sử như một người thích nhãn hiệu PRADA, nhưng đi mua thấy túi hiệu PRADO có kiểu dáng, hình thức đẹp, giá cả lại rẻ nên mua. Trong trường hợp này người mua không có lỗi, vì hàng giả và hàng nhái... hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một khái niệm mà người dân bình thường không thể phân biệt được”, luật sư Hào nói.

Trong tình huống người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng giả, hàng nhái thì họ rõ ràng là nạn nhân và cần pháp luật bảo vệ. Việc người tiêu dùng tiếp sức cùng cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm ra cách thức, giải pháp phù hợp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

z3846429403243_113ce222eafc3763693e8c0565653eb8

Nhiều khu chợ du lịch nổi tiếng của TP.HCM là "điểm đen" của hàng giả, hàng nhái.

Đồng quan điểm, luật sư Huỳnh Duy Toàn - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc đưa vào quy định xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả trong giai đoạn hiện tại dường như không khả thi. Hiện chưa có bộ tiêu chí nào xác định người tiêu dùng có hành vi tiếp tay cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Bởi nếu không phải là người có kiến thức tương đối về các khía cạnh liên quan đến sản phẩm, hàng hóa cụ thể, người tiêu dùng khó mà phân biệt, nhận định hàng giả, hàng nhái.

Hơn nữa, đối với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm, việc xem xét còn phải dựa trên hồ sơ, chứng từ, thậm chí có trường hợp quá trình xác minh phải kéo dài hoặc phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn để xác định yếu tố xâm phạm, liệu rằng người tiêu dùng có thể tự xác định được hay không?

Đồng thời, cần nhìn nhận trách nhiệm chính trong kiểm tra, xử lý hiện trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc về cơ quan chuyên môn, từ cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan khác.

Luật sư Toàn đưa ra góp ý: Luật pháp Việt Nam cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hơn hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị xã hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kịp thời tiếp nhận giải quyết các phản ánh, kiến nghị xem xét xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm. Cũng như quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc kịp thời xác minh, xử lý đối với các chủ thể kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.

Kỳ tiếp: Xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả: Bài học từ các nước

Thanh Thảo

Tin khác

Pháp luật 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 2 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.