Xử phạt gần 400 triệu đồng đối với 1 hộ kinh doanh 25 tấn phân bón kém chất lượng
Cụ thể thông tin từ Tổng Cục QLTT cho biết, ngày 2/8/2021, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Võ Văn An (có biển hiệu Cửa hàng phân bón Tám Tỷ) do ông Võ Văn An làm chủ - địa chỉ Khu phố Lộc Khê, Phường Gia Lộc, Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với tổng số tiền phạt hành chính là 384.500.000 đồng, hàng hóa vi phạm là 25 tấn phân bón rễ NPK bổ sung trung vi lượng SITTO PHAT.
Trước đó, vào hôm 4/6/2021 Đội QLTT số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Võ Văn An đồng thời tiến hành lấy 02 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm chất lượng gồm: 01 mẫu Phân bón rễ NPK bổ sung trung vi lượng SITTO PHAT 20-20-15+1SiO2hh + TE và 01 mẫu Phân bón NPK bổ sung trung vi lượng SITTO PHAT 14-8-6+1SiO2hh + TE do Công ty TNHH SITTO Việt Nam sản xuất.
Kết quả cho thấy 02 mẫu phân bón dược Cục QLTT Tây Ninh kiểm nghiệm có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Là việc với cơ quan chức năng, ông Võ Văn An - chủ hộ kinh doanh hàng hóa kém chất lượng cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm.
Theo thống kê, hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và phân bón được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng rất lớn. Cụ thể, gần 21 nghìn sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Được biết, từ ngày 14/5/2021, Tổng cục QLTT và Cục Bảo vệ thực vật đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Mục đích chính của công tác phối hợp giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Quản lý thị trường đối với công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, theo nội dung Quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Phổ biến, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc; Tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; xây dựng các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng Cục QLTT, Cục Bảo vệ thực vật và có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Thái An