SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả: Bài học từ các nước phát triển

16:54, 23/03/2023
Ngoài những trường hợp khách hàng bị lừa mua phải hàng giả giá cao, lâu nay trong suy nghĩ của phần đông người tiêu dùng, việc mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái là không có tội. Tuy nhiên, hành vi này ở một số nước phát triển vẫn có thể bị xử lý.

Thực tế, với mặt bằng thu nhập của người Việt, việc mua sản phẩm của những thương hiệu hàng đầu thế giới vẫn là mơ ước xa xỉ của nhiều người. Vì vậy, một bộ phận người tiêu dùng đã lựa chọn mua hàng giả với mẫu mã giống hệt mà giá cả lại thấp hơn nhiều lần để thỏa mãn tâm lý “sính ngoại” của bản thân. Hành vi này đã và đang tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp như thời gian qua.

Hàng giả “sống khỏe” nhờ người tiêu dùng

Hiện nay, có tới 5 cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm: Quản lý thị trường; thanh tra chuyên ngành khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch; công an kinh tế; UBND các cấp và cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu.

Tuy lực lượng này đông nhưng lại hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra của 5 cơ quan trên, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.

Từ thực tế thời gian qua, việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng. Nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào.

Để xử lý được hàng giả bắt buộc phải có giám định kết luận. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng chức năng phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Theo quy định của pháp luật, đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó, nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyệt nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

hang gia hang nhai

 Các chợ du lịch tại TP.HCM thản nhiên bày bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Trong khi đó, người tiêu dùng không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin trực tiếp từ người bán hàng.

Bên cạnh một số người mua nhầm, vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng và doanh nghiệp kịp thời xử lý, đôi khi còn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ, để rồi hàng giả ngày càng chiếm lĩnh thị trường.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có chế tài xử phạt với hành vi buôn bán hàng giả, mà chưa có quy định nào xử phạt người tiêu dùng. Nguyên nhân phần nhiều đến từ việc không xác định được lỗi của người tiêu dùng.

Theo đó, việc xử phạt phải dựa trên lỗi của người vi phạm, nhưng trường hợp này rất khó để biết được người tiêu dùng cố tình mua hàng hay bị lừa mua hàng giả. Trong tình huống người tiêu dùng bị lừa, họ rõ ràng là nạn nhân và cần pháp luật bảo vệ. Việc không thể chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng phạt nhầm những người tiêu dùng bị lừa gạt. Vậy nên, việc đưa ra quy định xử phạt người tiêu dùng khi mua hàng giả, hàng nhái là rất khó áp dụng.

Bài học từ các nước phát triển

 Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế, việc xử phạt người tiêu dùng mua hàng giả, hàng nhái đã được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển với những hình thức khác nhau.

hang gia

 Nhìn bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra mặt hàng đang được bày bán có bị làm giả hay không.

Tại Hàn Quốc, buôn bán và nhập khẩu hàng giả là hành vi bất hợp pháp. Việc sở hữu hàng hóa với mục đích sao chép và chế tạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của người khác cũng là vi phạm pháp luật. Nếu không nhận ra mặt hàng là giả, người mua không bị coi là vi phạm pháp luật.

Tại Nhật Bản, dù dùng với mục đích cá nhân hay mục đích kinh doanh, tất cả các hàng giả, hàng nhái được gửi từ nước ngoài hoặc được mang đến bởi người nước ngoài đến đây đều bị cấm. Luật pháp Nhật Bản thể hiện rõ rằng hành vi đưa hàng giả vào Nhật Bản sẽ cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và bản quyền thiết kế. Hình phạt tù đối với hành vi này đến 10 năm hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu yên, hoặc cả 2.

Mỹ và châu Âu là những quốc gia tôn trọng vấn đề bản quyền, thương hiệu ở top đầu thế giới. Vì vậy, việc xài hàng giả sẽ khiến cho khách hàng phải chịu một mức phạt rất nặng hoặc có thể bị truy tố nếu đem một lượng lớn hàng giả, dù đó là người dân trong nước hay du khách nước ngoài.

Tại Pháp, người tiêu dùng có thể bị phạt với mức phạt tối đa lên tới 300.000 euro (tương đương 7,7 tỷ đồng) hoặc ngồi tù 3 năm nếu du khách đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này.

Tại Bỉ, nếu bị phát hiện mang đồ giả, du khách có thể bị phạt từ 500 – 100.000 euro (tương đương 12,1 triệu đồng tới 2,5 tỷ đồng). Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự.

Tại Ý cũng có luật quy định người tiêu dùng phải chịu khoản tiền phạt lên tới 11.000 euro khi sử dụng hàng giả, hàng nhái từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.

Chính quyền Ireland cũng mạnh tay với nạn hàng giả. Bất kỳ ai mang hàng giả vào đất nước này đều bị coi là phạm tội. Du khách có thể ngồi tù 1 năm hoặc nộp phạt từ 5.000 đến 126.000 euro, tùy thuộc vào món hàng giả mà khách sở hữu. Nếu giá trị thật của món hàng giả lớn hơn 250.000 euro, người tiêu dùng có thể nhận bản án tới 5 năm tù.

Tại Áo, số tiền phạt có thể lên đến 15.000 euro, nhưng người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng giả trên mạng sẽ không bị phạt.

hang gia1

Những mặt hàng mang bộ nhận diện của các thương hiệu lớn được sale khủng ở một số trung tâm thương mại và khu chợ truyền thống. 

Ở nước ta, việc xử lý người tiêu dùng hàng giả, hàng nhái chưa được thực hiện nên vẫn còn cơ hội cho những cơ sở kinh doanh hàng nhái, hàng giả tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, từ bài học của những quốc gia trên thế giới, những quy định của pháp luật cần phải tăng cường hơn nữa, tiệm cận với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhất là Công ước Bern về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần nhận thức đúng hành vi mua hàng, giả hàng nhái là đang tiếp tay cho một bộ phận những người xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quả thực, để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, không cách nào nhanh và hiệu quả hơn là bản thân người tiêu dùng hợp tác cùng cơ quan Nhà nước, trước mắt là dừng không tiêu thụ hàng giả, sau là tố cáo khi thấy hành vi sai phạm.

Ở Mỹ có Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, tất cả những hàng hóa như đồ ăn hay thuốc đều phải qua quy trình kiểm tra hết sức chặt chẽ. Nếu như mua phải đồ ăn hay thuốc uống kém chất lượng, người tiêu dùng thậm chí có thể kiện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Bên cạnh đó, mức tiền phạt khi vi phạm pháp luật tại Mỹ là rất lớn. Suốt thời gian dài tuân theo pháp luật, người tiêu dùng sẽ hình thành thói quen kinh doanh trung thực. Mà thói quen lâu dần sẽ trở thành tự nhiên mà mọi người đều áp dụng.

Cuộc chiến với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc của toàn xã hội. Trước hết, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình. Người tiêu dùng cần thông thái hơn khi lựa chọn sản phẩm, ngừng sử dụng hàng nhái, hàng giả sẽ góp phần cho sự phát triển của ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, pháp luật cần mạnh tay hơn với hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, phối hợp và kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân.

Tân Nguyên

Tin khác

Pháp luật 12 giờ trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng tâm lý tiếc của của nạn nhân, tội phạm mạng thời gian gần đây đã tạo những nội dung giả mạo Cục An ninh mạng hoặc cơ quan chức năng hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.