Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Hội viên, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương tại khu vực phía Nam, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp với Văn phòng phía Nam - Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Đào tạo và Phát triển Kinh tế; Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu Việt Nam tổ chức diễn đàn “Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế” và giao lưu kết nối doanh nhân, doanh nghiệp.
Tham dự diễn đàn có sự góp mặt của hơn 150 đại biểu đến từ Hội Sáng chế Việt Nam, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý và các tổ chức cá nhân.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN; Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết: “Trong xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết, bởi đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả 1 quốc gia”.
Nhằm giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường và hội nhập quốc tế, ông Trần Giang Khuê – Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ đã có có bài tham luận về vấn đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo ông Khuê, thương hiệu là tập hợp các dấu hiệu, các liên tưởng định vị trong tâm trí của con người về giá trị khác biệt của sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, của tổ chức, của địa phương hoặc của một quốc gia.
Hệ thống nhận diện thương hiệu chính là những gì tác động đến các giác quan của người tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày như: Logo, biểu tượng, khẩu hiệu, nhạc hiệu, công ty ca, công ty kỳ, câu chuyện truyền thông, bao bì, nhãn mác; biển, băng rôn quảng cáo; các mẫu quảng cáo trên media; các vật phẩm và ấn phẩm hỗ trợ quảng cáo.....
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về thương hiệu và cách thức xây dựng, phát triển thương hiệu, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên xây dựng, phát triển công ty gắn liền với thế mạnh của bản thân, lợi thế của địa phương và chủ trương; chính sách chung của đất nước. Đồng thời, cần có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; tận dụng các lợi thế từ các tài sản trí tuệ để tạo ra sự phát triển đột phá và bền vững.
Theo ông Đỗ Hữu Quang – Nguyên Phó Cục trưởng, Phụ trách khu vực phía Nam, Cục QLTT Bộ Công thương, để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất, trước hết doanh nghiệp cần phải thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng biện pháp này bằng nhiều cách như in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại hay sử dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ, đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm nhằm thông báo sản phẩm, dịch vụ đó là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.
Có thể thấy rằng, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất, doanh nghiệp nên đăng kí bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng, xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Bên cạch đó, doanh nghiệp cũng nên tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu và tài liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin về các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh khỏi việc xâm phạm quyền của người khác.
Chuyên đề thứ ba được chia sẻ tại diễn đàn là “Thực tiễn và kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, bảo vệ và thực thi quyền SHTT trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Đào – TGĐ Công ty mỹ phẩm Anh Đào cho biết các sản phẩm của công ty đều được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm mang tên gọi và bao bì na ná Anh Đào. Hàng nhái không khác gì hàng giả, vì sức khỏe người dùng bị đe dọa nếu đó là sản phẩm không đạt chất lượng.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ và trông chờ sự bảo hộ của luật pháp, để hạn chế ở mức thấp nhất tài sản trí tuệ bị xâm phạm, công ty của bà Đào có một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền SHTT.
Đồng quan điểm với bà Đào, ông Nguyễn Viết Hồng – TGĐ Công ty VINA CHG cho rằng: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì sẽ không thể kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả, hàng nhái...”.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những chủ đề liên quan đến thương hiệu, cũng như cách thức xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp như: Làm thế nào để xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả và bền vững; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và phát triển thương hiệu; vai trò của thương hiệu trong giá trị doanh nghiệp... Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp cũng được BTC và các đại biểu bàn bạc sôi nổi.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả đã tiến hành trưng bày các sản phẩm chính hãng của mình. Đồng thời, các sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả cũng sẽ được đưa ra so sánh với hàng chính hãng để khuyến cáo đến cộng đồng, người tiêu dùng, giúp tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn sao chép, làm giả tinh vi của cảc đối tượng vi phạm.
Minh Tuệ