SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Xâm phạm bản quyền: 'Vết nhơ' khó gột rửa sau lợi ích kinh tế

12:44, 26/12/2022
Hành vi khai thác trái phép bản quyền các tác phẩm thuộc sở hữu của đơn vị khác không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế, mà còn có thể xem là "vết nhơ" khó gột rửa về danh tiếng của đơn vị vi phạm.

Vừa qua, thông tin Công ty Cổ phần VNG vi phạm quyền sở hữu bản quyền, khai thác các bộ phim “The Story of Minglan – Minh Lan truyện”, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi”, “Legend of the Phoenix – Phượng Dịch” trên nền tảng internet của Công ty CP truyền thông TK-L khiến nhiều người bất ngờ.

Lâu nay, Công ty VNG vẫn được biết đến là tên tuổi lớn trong cộng đồng những người đam mê công nghệ, game online. Vì vậy, việc "kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Việt Nam vi phạm bản quyền và bị phạt với số tiền lớn được đánh giá là "vết nhơ" khó gột rửa về danh tiếng.

Điều đáng nói đây không phải trường hợp đầu tiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực truyền hình. 

Xuất hiện từ năm 2010, phimmoi.net là một cái tên không xa lạ đối với giới “mọt phim” Việt Nam. Website liên tục cập nhật các thể loại phim từ truyền hình, điện ảnh, đến phim chiếu rạp của Việt Nam và thế giới với tốc độ chóng mặt. 

Trước những hành vi vi phạm liên tục, năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xâm phạm quyền tác giả tác phẩm liên quan đến website phimmoi.net. Công an xác định những người điều hành website đã trình chiếu các tác phẩm điện ảnh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, thu về số tiền bất chính khổng lồ từ quảng cáo trên website.

Thế nhưng, với mức lợi nhuận khổng lồ từ việc trình chiếu phim lậu, hàng loạt website với tên miền na ná khác vẫn được ra đời liên tục.

Liên quan đến tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay, luật sư Phan Vũ Tuấn - luật sư điều hành Phan Law Vietnam - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM - đã có những chia sẻ với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.

z3984639478901_863f6106d2ed06f2a855a226d25199a6

"Minh Lan Truyện" là một trong ba bộ phim thuộc quyền khai thác của Công ty CP truyền thông TK-L bị vi phạm.

Theo đó, các tác phẩm truyền hình, điện ảnh được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Do đó, chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản theo luật định như: Làm tác phẩm phái sinh, sao chép tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác…

Điển hình, đối với việc Công ty VNG khai thác các bộ phim trên nền tảng internet mà không có sự đồng ý của Công ty Cổ phần truyền thông TK-L, luật sư Tuấn nhận định đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 6, khoản 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, là hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả…; truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều đáng nói, hành vi này sẽ ảnh hưởng đến quyền khai thác và các lợi ích kinh tế thu được từ bộ phim. Đặc biệt, các bộ phim truyền hình nhiều tập thì lợi ích kinh tế này càng lớn.

“Vấn nạn xâm phạm bản quyền sẽ phần nào làm cho chủ sở hữu quyền tác giả các tác phẩm nước ngoài e ngại, hạn chế hơn trong việc cấp phép độc quyền cho các đơn vị tại Việt Nam khai thác, sử dụng theo hợp đồng chuyển quyền. Do đó, ngoài việc phải chịu các tổn thất về mặt lợi ích kinh tế, các đơn vị bị xâm phạm tại Việt Nam còn có khả năng phải đối mặt những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận tác phẩm điện ảnh nổi tiếng tại nước ngoài khác”, luật sư Tuấn chia sẻ. 

z3984664263540_f48fbc4ab3e0d0ac6dfbb5770f95a8fd

Luật sư Phan Vũ Tuấn - luật sư điều hành Phan Law Vietnam - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM.

Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền khai thác bản quyền phim ảnh diễn ra ngày càng nhiều và đến mức đáng báo động. Nhiều bộ phim là tâm huyết của tác giả và chủ sở hữu vừa được phát hành, thậm chí là chưa được phát hành đã bị đăng tải trên nhiều nền tảng website, facebook, tiktok, … Thực trạng này từ lâu đã được nhắc đến và được xem là mối lo lắng hàng đầu trong việc xử lý vi phạm bản quyền.

Vấn đề này xuất phát từ việc nắm bắt tâm lý sử dụng miễn phí của người dùng. Nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang liên tục đăng tải đa dạng thể loại phim lên nhiều nền tảng, cho phép người sử dụng internet có thể trực tiếp xem và tải về nội dung phim nhưng không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền. 

Hơn nữa, các đơn bị sai phạm xem đây như một phương thức startup để nhanh chóng kiếm tiền mà không cần vốn. Một số đơn vị còn lập các diễn đàn bàn về hướng xây dựng một kế hoạch khai thác phim tràn lan, tìm kiếm những biện pháp kỹ thuật để sao chép, lưu trữ và phân phối phim đến người dùng, tìm cách để kiếm tiền từ việc quảng cáo, thậm chí còn chia sẻ những cách để tránh khiếu nại bản quyền,…. 

Hơn nữa, bản thân các chủ thể quyền chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình vì ngại va chạm với các vấn đề pháp lý. Khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm, các chủ thể quyền chưa biết cách ghi nhận chứng cứ và đề nghị xử lý hành vi xâm phạm.

Đối mặt với tình trạng khai thác trái phép bản quyền phim, các công ty, doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền đối với các tác phẩm cần chủ động hạn chế và ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền bằng cách thành lập đội ngũ kỹ thuật rà soát, kiểm tra vi phạm nhằm đề phòng, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. 

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền, các chủ sở hữu quyền phải nhanh chóng thu thập chứng cứ bằng cách ghi nhận thông tin, dữ liệu về hành vi vi phạm để yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) hỗ trợ gỡ bỏ nội dung vi phạm; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật; hoặc khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Song song đó, các chủ thể quyền cần liên kết lại với nhau thành một mạng lưới thống nhất để phối hợp xử lý hành vi vi phạm. Sự đồng lòng, quyết tâm giữa các chủ thể quyền, các nhà sản xuất nội dung và cơ quan, ban ngành có liên quan sẽ mang tiếng nói của bên bị xâm phạm quyền đến với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, các hành động cứng rắn sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn “lấn át” tham vọng, sự cố chấp của bên vi phạm. 

Thanh Thảo

Tin khác

Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.