WIPO hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cảm ơn sâu sắc Ngài Phó Tổng Giám đốc và các đồng nghiệp tại WIPO vì sự hợp tác chặt chẽ, sự hỗ trợ tích cực dành cho Việt Nam nói chung và dành cho Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng.
Trong đó, có thể kể đến như: Hỗ trợ triển khai một số Dự án về công nghệ thông tin như “Xây dựng hệ thống tự động về quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) tại Cục Sở hữu trí tuệ” hay “Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ”; hỗ trợ triển khai các dự án về khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ như “Xây dựng mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới (TISCs)” và “Xây dựng Môi trường kiến tạo về sở hữu trí tuệ (EIE Project)”; hỗ trợ việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý như Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp hay Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế.
Hằng năm cấp học bổng cho các cán bộ tham gia các khóa học trực tuyến và chuyên sâu do Học viện WIPO tổ chức và mời tham dự nhiều khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, vừa qua, bên lề Phiên họp Đại hội đồng WIPO tại Geneva, Thụy Sỹ, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó quy định các nội dung hợp tác phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Chẳng hạn như: Cập nhật, phổ biến và thi hành pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ; nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nhân và cán bộ công chức thông qua việc hỗ trợ trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ;
Xây dựng năng lực cho Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức trung gian về cung cấp hoạt động hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp đồng thời hỗ trợ các đối tượng này thông qua Mạng lưới trực tuyến dành cho doanh nhân của WIPO (EON).
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là về các kỹ năng cần thiết để tiếp cận và sử dụng tốt nhất cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ toàn cầu cũng như hỗ trợ của WIPO để mở rộng và củng cố mạng lưới quốc gia về TISCs tại Việt Nam, bao gồm cả việc dịch các tài liệu của WIPO sang tiếng Việt; cung cấp các tài liệu và nguồn thông tin tham khảo về sở hữu trí tuệ, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ theo nhu cầu của Việt Nam.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc WIPO bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn đạt mức độ tăng trưởng dương.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Đặc biệt Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong WIPO nghiên cứu chuyển hóa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu để tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.
Ông Hasan Kleib đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần lưu ý đến 3 nhóm đối tượng để thúc đẩy lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay các nước đang phát triển có tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 95%. Tại Việt Nam, con số này là 98%. Sở hữu trí tuệ không chỉ liên quan đến bằng sáng chế mà còn thiết thực với doanh nghiệp trong đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…
"Sở hữu trí tuệ không phải điều gì xa vời. Đây không còn là câu chuyện của các quốc gia phát triển nữa mà cũng là vấn đề của các quốc gia đang phát triển, nó gắn với cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Hasan Kleib bày tỏ quan điểm.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động kinh doanh, tạo việc làm là việc rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhóm thứ hai là giới trẻ, thanh niên, bởi tỉ lệ dân số dưới 30 tuổi ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển rất cao. Việt Nam có 25% dân số độ tuổi 15-30 tuổi.
Nhóm thứ ba là phụ nữ. Theo khảo sát, ở các nước trên thế giới, hơn 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và ở Việt Nam là trên 60%.
Ông Hasan Kleib cũng chia sẻ, một trong những lĩnh vực mà WIPO quan tâm và rất muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới đó là làm sao nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với các hoạt động kinh doanh và tạo công ăn việc làm - đây là mục tiêu rất quan trọng với các doanh nghiệp.
Qua đó, để thấy rằng, sở hữu trí tuệ không chỉ liên quan đến bằng sáng chế, mà còn rất gắn kết với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, hay chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho các bên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vấn đề này rất quan trọng.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm