SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

"Vua" sáng tạo

06:26, 27/06/2017
(SHTT) - Hiếm người nào có "gia tài" sáng tạo đồ sộ về Khoa học - công nghệ và kỷ lục về những giải thưởng danh giá trong và ngoài nước như anh Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco).

"Cú hích" thuở thanh xuân

Tôi quen biết với Hoàng Đức Thảo đã lâu, nhưng chưa lần nào nghe anh kể về hoàn cảnh riêng tư của mình. Vả lại, tính anh cũng kiệm lời, điềm đạm. Tôi nhớ lần đó, sau khi đoạt giải thưởng lần thứ tư của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2014, trong tâm trạng lâng lâng, anh giãi bày: "Tôi sinh năm 1960, tuổi Canh Tý, tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nghèo, đông anh em. Cha mẹ tôi suốt ngày quần quật với việc đồng áng, quanh năm bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Vì thế, để giảm bớt một miệng ăn cho gia đình, khi mới tốt nghiệp cấp hai, rời quê nhà tôi đi thi và trúng tuyển vào trường công nhân kỹ thuật có cơ sở đóng tận xã Mỏ Chè, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Sau hai năm học tập, tốt nghiệp ra trường, tuổỉ trẻ với bao hoài bão, khát khao lao động, cống hiến cho đất nước, thể theo nguyện vọng, tôi được nhà trường phân công về làm công nhân kỹ thuật tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2, tỉnh Kiên Giang. Trong con mắt của chàng trai 19 tuổi dạo ấy, phong cảnh Hà Tiên xinh đẹp vô ngần. Đất trời khoáng đạt, núi non hùng vĩ chập chùng nối tiếp nhau, biển khơi biên biếc xanh, nhiều hang động, chùa chiền và nườm nượp khách thập phương".

"Một năm sau đó, tôi đã trở thành anh thợ sắt thạo nghề. Nhưng trong sản xuất, cái khó đã lộ dần ra. Nhà máy lúc ấy nhập máy cắt sắt của Trung Quốc, nên máy chạy hơn hai tuần thường xuyên gặp sự cố do lưỡi cắt sắt bị đứt, kéo theo mọi việc đều ngừng trệ, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhà máy. Điều đáng nói là nhà máy sản xuất máy cắt sắt bên Trung quốc rất “cao thủ’’ trong tính toán. Đó là việc họ không bán lưỡi cắt sắt dự phòng. Dạo đó, những nhà máy ở Sài Gòn chưa sản xuất được thiết bị này. Muốn có thiết bị, thì phải nhập khẩu đúng chủng loại do họ sản xuất. Điều này vừa tốn ngoại tệ, vừa mất thời gian. Như vậy, họ đã có “kế hiểm” là buộc ta phải lệ thuộc vào họ từ trước. Lúc đó cả nhà máy từ giám đốc đến công nhân lao động đều mỏi mệt, căng thẳng về sự việc này. Nhiều người có trách nhiệm trong nhà máy đứng ngồi không yên. Tôi cũng không là ngoại lệ".

"Và, tâm trí tuổi trẻ của tôi dạo ấy là được cống hiến, làm thế nào để công việc của nhà máy được trôi chảy liên tục. Nhiều đêm tôi trăn trở, thao thức đến sáng. Đôi lúc, trở nên bực bội, căng thẳng, vì nghĩ mãi không ra, khiến người gầy guộc, phờ phạc. Một đêm miên man suy nghĩ. Bất chợt trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ là phải chế tạo ra những cái gông, nhằm làm giảm lực đẩy trở lại. Mà lực đẩy trở lại chính là nguyên nhân làm đứt lưỡi sắt. Sáng hôm sau, tôi đề đạt sáng kiến lên lãnh đạo nhà máy và mau chóng được chấp thuận đưa vào sản xuất thể nghiệm. Nhờ vậy mà việc sản xuất đã thông suốt trở lại. Đây là sáng chế đầu đời của tôi, mở toang cho tôi cánh cửa bước vào tìm tòi nghiên cứu công nghệ, khoa học kỹ thuật” – anh chia sẻ.

Với sáng chế trên, năm 1980, anh được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh Kiên Giang. Sau này, dù bôn ba với nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhưng vẫn mãi đọng lại trong tâm tưởng của anh sáng kiến táo bạo của tuổi hai mươi. Nó như động lực, là hành trang, làm cho anh mạnh mẽ, vững tin hơn với những sáng taọ, bùng nổ, thăng hoa sau này.

Trăn trở từ những bức bách của thực tiến

Dưới thời thực dân Pháp và chế độ cũ, về cơ chế hành chánh, Vũng Tàu là một thị xã, dân số chỉ khoảng 5 vạn người. Hệ thống xử lý nước thải chỉ được kết nối ở khu vực trung tâm thị xã, gồm những con đường chính như Quang Trung,Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Trương Công Định, Ba Cu (Nguyễn Thái học cũ), Lý Thường Kiệt… Tuyệt nhiên, không kết nối với những con đường xương cá và trong những con hẻm. Đây quả là một hệ thống nước thải chắp vá, manh mún, cũ kỹ.

vua sang tao a.jpg

 

Sau năm 1975, Đảng, Nhà nước, quyết tâm đưa Vũng Tàu trở thành đô thị loại 1 và là một trong những trung tâm dầu khí, du lịch lớn nhất quốc gia. Năm 2010, Chính phủ đã quyết định công nhận Vũng Tàu là đô thị loại  1. Hàng loạt đại lộ thênh thang đã được mở ra: Thùy Vân, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh,T rần Phú, 3 tháng 2,… kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng là những “cơn lốc” …về đô thị hoá. Những khu dân cư mọc lên như nấm. Dân nhập cư ồ ạt, làm cho dân số tăng theo cấp số nhân. Điều này, gây một áp lực nặng nề lên hệ thống xử lý nước thải vốn bé nhỏ, xưa cũ.

Vì thế, một cơn mưa chỉ vài phút, thì “phố bỗng thành những dòng sông uốn quanh – lời ca trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước thải ngày xưa được xây dựng không bài bản, do vậy, nước thải cộng với nước mưa cứ “hồn nhiên”, vô tư chạy thẳng và trực tiếp đổ ra biển. Vì thế, chẳng bao lâu, những bãi cát vàng ươm, xinh đẹp vô ngần sẽ đổi màu, biến dạng thành những bãi bùn đen. Nước biển sẽ chẳng còn một màu xanh biếc. Chắc chắn du khách trong và ngoài nước sẽ quay lưng với du lịch Vũng Tàu. Lúc đó, chính con người chứ không thể do một nguyên nhân khách quan nào khác. đã tự hủy đi ưu thế trời cho, mà không nơi nào có được về biển xanh, cát vàng.

 Làm thế nào để có một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, có tính kết nối cao trong hệ thống, nhất là những trạm xử lý nước thải “mini” dưới lòng đất để hạn chế mùi hôi thối của nước thải, cũng như xử lý nước thải trước khi nó được khai thông ra biển khơi? Những câu hỏi này luôn ám ảnh Hoàng Đức Thảo trong nhiều năm liền, nó theo anh vào những giấc ngủ.

vua sang tao b.jpg.png

 Ống cống đúc sẵn bằng công nghệ mới

Anh kể: "Có những đêm, tôi chỉ ngủ được hai, ba tiếng đồng hồ. Sau đó thì thức, cứ mãi trằn trọc, trăn trở, bởi ý nghĩ là phải dứt khoát có những việc làm thiết thực để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng trong thành phố du lịch nổi tiếng này, góp phần làm cho diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp. Cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại yêu thành phố biển này vô ngần! Dù không sinh ra ở đây, nhưng tôi xem nó như quê hương thứ hai của mình. Và, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, khi tôi là người có trách nhiệm chính trong việc tạo ra một hạ tầng kỹ thuật đô thị có tính kết nối cao".

vua sang tao

Kênh Tham Lương, quận 12, TP HCM, đươc BUSADCO thi công bằng công nghệ mới, vật liệu mới: bê tông đúc sẵn thành mỏng phi kim 

 Giọng anh trở nên xa xăm và dường như chùng xuống. Anh giãi bày tiếp về lý lịch “trích ngang”của mình: "Được lãnh đạo Công ty Xây dựng số 10 - nơi tôi công tác xưa kia (xây dựng nhà máy xi măng Hà tiên), chấp thuận cử tôi đi học khóa kế toán ngành xây dựng tại Trường Trung cấp Xây dựng số 7 (thuộc  Bộ  Xây dựng), tại Thủ Đức,TP HCM, từ năm 1981-1984. Tốt nghiệp, tôi được phân công về công tác tại Xí nghiệp Hợp Doanh Xây lắp Vũng Tàu, làm trưởng phòng Tài vụ - kế toán rồi kế toán trưởng xí nghiệp (1987-1991)".

"Ở đây, tôi đã nên duyên chồng vợ với một người con gái xưa kia là học viên lớp trung cấp kế toán với tôi. Có lẽ vì thế nên tôi yêu mến thành phố biển này vô cùng. Đến đầu năm 1993, tôi được điều động lên làm kế toán trưởng Ban Quản lý các công trình xây dựng (Sở Xây dựng). Từ tháng7/1995 đến tháng 3/1997 là chủ nhiệm, giám đốc Ban Quản lý Dự án Cấp Thoát nước thành phố Vũng Tàu. Rồi từ đầu năm 2003, tôi là giám đốc Ban Quản lý Dự án Thoát nước và môi trường tỉnh BR-VT. Từ tháng 9/2003 đến nay, tôi là tổng  giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT. Như duyên nợ, tôi bám sát thực tiễn của ngành thoát nước, cùng ăn, cùng làm với những công nhân, lao động nạo vét ống cống để khai thông dòng chảy. Cứ mỗi lần như vậy, người lao động phải cong người như con tôm để chui sâu vào ống cống nạo vét chất thải, đối mặt với đủ thứ chất thải trên thế gian. Họ chỉ lao động toàn bằng cơ bắp, ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động. Cũng lớn lên từ con em lao động, tôi thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy luôn rình rập đến sức khỏe của họ. Làm sao để chế tạo ra máy tự động, thay thế con người để lao động trong lòng cống mà năng suất vẫn tăng? Câu hỏi này đã làm cho tôi thức trắng trong nhiều đem liền. Nó ám ảnh đến nỗi có lúc khiến sức khỏe tôi suy sụp trông thấy rõ, tôi phải nhập viện. Không nản chí, tôi vẫn miệt mài nghiên cứu trong đêm. Nửa đêm giật mình thức dậy, tôi loay hoay với bản vẽ chi tiết về một giàn máy tự động, rồi lại thất bại vì thấy còn thiếu nhiều chi tiết. Tôi mất trên ba năm mới hoàn thiện chính xác cho thiết kế giàn máy tự động này". Anh nói thêm: “Nếu không chế tạo và đưa vào sản xuất thành công giàn máy nạo vét cống rãnh tự động, có lúc tôi tự vấn với lương tâm mình rằng, tôi sẽ xin lãnh đạo về nhà làm phó thường dân Nam Bộ, còn hơn hằng ngày phải nhìn thấy cái cảnh lao động chui sâu trong ống cống đen kịt, rồi bệnh tật sẽ ập đến cuộc đời họ. Xót xa lắm!”

 Nhâm nhi ly trà Thái Nguyên, anh nhìn thẳng vào tôi, gương mặt trở nên cương nghị, nghiêm trang, như một hành động bảo đảm rằng, những lời kể trên hoàn toàn sự thật, không chút gì là khoe trương. Và anh cho biết, anh chuẩn bị đón một đoàn khách từ Tây nguyên xuống để hợp tác mở một cơ sở sản xuất một dây chuyền sản xuất tại địa phương của họ về những sản phẩm do anh sở hữu, đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

 Anh cũng là người nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Một lần đi công tác ở các tỉnh phía Bắc, ghé về thăm cố hương Thái Bình, anh đã tận mắt nhìn thấy trong một buổi chiều mưa nặng hạt, cơn mưa dài lê thê đã cuốn trôi một con đường bê tông ở làng quê, chỉ còn trơ trọi các loại đá. Lần khác, thăm quê anh lại gặp một cơn bão cấp 3 thôi, nhưng những viên đá hộc kè bờ đê cứ rơi dần xuống đáy sông. Bờ sông sạt lở từ từ thành những miệng ếch trông thật đáng sợ. Anh băn khoăn: - ở nông thôn, để có kinh phí làm con đường làng bằng bê tông và xây hàng km bờ đê, quả thật không đơn giản đối với một vùng quê nghèo khó. Nếu làm theo kế hoạch nhà nước và nhân dân cùng làm, thì cũng phải thực hiện trong nhiều năm liền.

Trở về Vũng Tàu, anh suy nghĩ miên man, thấy thương những mảnh đời người nông dân quanh năm khốn khó. Anh nghĩ cần phải làm gì đó để giúp họ được thoải mái đi trên những con đường chắc chắn và những công trình dân sinh có khả năng chống chọi với bão giông?

Đến bùng nổ sáng tạo và giải thưởng HCM

Tháng 9/2003, cụm tời nạo vét cống ngầm đô thị, với nhiều thiết bị tự động đồng bộ, nhịp nhàng từ nạo vét chất ứ đọng trong lòng cống cho đến thu gom lên bờ đã được triển khai đồng loạt trong việc nạo vét, thu gom chất thải của Công ty Thoát nước và Phát triển Đô thị tỉnh BR-VT. Người công nhân, lao động đã không còn vất vả chui sâu vào lòng cống. Nhờ có máy, họ chỉ đứng trên bờ điều khiển thiết bị. Công việc đã trở nên nhẹ nhàng rất nhiều so với trước đây. Điều quan trọng là người lao động được an toàn, không gặp nguy hiểm từ những vật thải trong lòng cống như kim tiêm, dao lam, đinh,… nhất là trực tiếp làm việc trong dòng nước đen ngòm dẫn đến rất nhiều bệnh nan y. Với sản phẩm mới này, năng suất lao động đã tăng cao chưa từng có, gấp 20 lần so với phương pháp nạo vét truyền thống cũ, được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Anh Hoàng Đức Thảo, tác giả của thiết bị, trong những ngày đầu tiên thiết bị được đưa áp dụng, anh đứng chăm chú quan sát nhất cử nhất động của người điều khiển máy, cố nén xúc động, rồi niềm vui cũng òa vỡ. Anh đưa ra một qui luật về sáng tạo là sớm muộn gì thành công cũng sẽ đến cho những ai đam mê, miệt mài với ý tưởng. Một khi ta dám nghĩ, dám làm, dù trải qua nhiều nhọc nhằn, đắng cay, dèm pha của miệng lưỡi thế gian.

 Dù đạt nhiều thách tích trong sáng tạo, sản xuất, nhưng anh Hoàng Đức Thảo vẫn luôn trăn trở với những bức xúc của người dân, cũng như phát biểu gay gắt của nhiều vị đại biểu HĐND, các sở, ban - ngành về tình trạng nước thải ngang nhiên đổ ra biển. Tất cả ý kiến này đều đáng để suy ngẫm, giải quyết vì một đô thị xanh - sạch - đẹp và một trung tâm du lịch biển lớn nhất nước. Trách nhiệm nặng nề đang thuộc về anh, người đứng đầu doanh nghiệp công ích về xử lý nước thải. Đây là một thực trạng đã tồn tại từ thời thực dân Pháp. Bảo vệ, tôn tạo cho môi trường sống của cộng đồng ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn cũng là tôn chỉ của doanh nghiệp do anh quản lý, điều hành. Với nhiều đêm thức trắng, anh đã suy nghĩ ra cách để khắc phục tình trạng này. Lại nữa, sau những đêm thức trắng một mình, tóc bạc ngày càng nhiều hơn. Bể chứa sinh học, tại sao không? Anh mừng vui, nói như reo lên trong căn phòng riêng của mình với một ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện. Những ngày sau đó, phương án xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học ra đời. Hệ thống xử lý nước thải về bể chứa sinh học trước khi đổ ra biển được qui hoạch, xây dựng trên cơ sở đã được chính quyền tỉnh phê duyệt. Vậy là đã chấm dứt hẳn tình trạng nước thải chưa qua xử lý chạy xộc ra biển. Sau đó, nhiều cư dân am tường tình hình địa phương cũng đã trở lại tắm biển, bơi lội bình thường, không còn ái ngại với nước thải đen ngòm vô tư xả ra bãi biển.

Những năm qua, tuyến đê biển dài 4km, được doanh nghiệp Busadco, do anh làm tổng giám đốc đã thi công ở Đồng Châu, Thái Bình. Anh xem đây như một dịp đền đáp, trả nợ cho quê hương nghĩa nặng tình sâu. Sau hơn hai năm nghiền ngẫm, anh và tập thể lao động của doanh nghiệp đã đưa vào thi công một vật liệu xây dựng hoàn toàn mới so với truyền thống. Đó là những cấu kiện bê tông phi kim loại sử dụng bằng cốt sợi như GFRT,PP,PI…. Ưu thế vượt trội của loại này là có độ bền cao, không bị ăn mòn, độ chống thấm cao cũng như độ giản nở và vết nứt thấp hơn so với bê tông cốt thép truyền thống. Qua những cơn bão lớn của các năm 2014 và 2016, gió giật cấp 10, cấp 11, con đê biển vẫn đứng vững như bàn thạch. Rõ ràng, sáng tạo của Thảo đã đem lại hiệu quả thiết thực to lớn, thích nghi được với tình hình biến đổỉ khí hậu hiện nay. Chính quyền tỉnh Thái Bình đã tin cậy những sản phẩm công nghệ mới của Thảo, đơn đặt hàng thi công tuyến đê biển liên tục được gởi về Busadco.

 Trong lúc vui vẻ, anh hớn hở nói: "Phần lớn những sáng tạo về  khoa học - công nghệ của tôi đều được triển khai rộng rãi tại Busadco. Và, Busadco đã được Bộ Khoa học - công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học-công nghệ đầu tiên của tỉnh BR-VT, xếp thứ hai cả nước về KH-CN. Điều đáng tự hào cho Busadco là doanh nghiệp duy nhất trên cả nước có doanh thu trên 80% từ KH-CN. Đồng thời Busadco cũng là doanh nghiệp duy nhất trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, để tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng KH-CN.

 Hiện nay, có trên 50/63 tỉnh thành cả nước áp dụng những thành tựu KH-CN của Busadco, 12 tỉnh, thành đã ban hành qui định về sử dụng sản phẩm công nghệ của đơn vị. Những sản phẩm công nghệ của Busadco còn được xuất khẩu sang Malaysia, góp phần khẳng định năng lực của KH-CN Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhờ thị trường rộng mở, Busadco đã xây dựng lần lượt và đưa vào hoạt động nhà máy công nghiệp ở phía Bắc gồm: Đông Anh (Hà Nội), Kiến Xương (Thái Bình), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), BắcTrung bộ (Vinh), Nam Trung bộ (Nha Trang - Khánh Hòa), Đông Nam bộ (TP HCM và TP Bà Rịa).

vua sang tao d

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông Hoàng Đức Thảo

Khó có thể kể hết những giải thưởng cá nhân mà anh vinh dự được trao tặng, chỉ nói về những giải thưởng tiêu biểu: 7 giải thưởng về sáng tạo KH-CN của VIFOTEC, 4 của tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), giải thành tựu đặc biệt của tổ chức Sáng tạo quốc tế SIIF trao tặng, giải xuất sắc toàn cầu của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương, Huân chương nhà phát minh Alfed Nobel do Ban tổ chức Nhà Sáng chế Hàn Quốc trao tặng cùng 13 giải thưởng khác của các tổ chức khoa học-công nghệ có uy tín trên thế giới. Mới đây, anh cũng được Viện Nội  dung kỷ  lục thế giới (WRA) trao đĩa vàng về thành tích là nhà khoa học có nhiều công trình sáng tạo phục vụ cộng đồng với cụm công trình Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng đổi với biến đổi khí hậu.

Ngày 8/3/2013, Trường Đại học Kỷ lục thế giới (Anh quốc) cũng trao bằng danh dự tiến sĩ kỷ lục cho Hoàng Đức Thảo bởi anh là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các  tổ chức sáng tạo KH-CN. Một vinh dự quá lớn lao không dễ gì có được. Ngoài ra, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp cho anh 20 bằng sáng chế độc quyền và giải pháp hữu ích, 58 Quyết định chấp nhận đơn, 7 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3  Huân  chương lao động 1,2,3 của nhà nước trao tặng. Đến nay, anh vẫn giữ 3 kỷ lục của Viêt Nam: - Người đầu tiên ở BR-VT đoạt giải thưởng về KH-CN, người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải về KH-CN nhất trong lịch sử 16 năm tổ chức của VIFOTEC và người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo  KH-CN trên thế giới… Quả thật, một “gia tài” sáng tạo thật đáng nể, đáng mơ ước của nhiều người kể cả những nhà khoa học.

Trước đó, vào năm 2011, ghi nhận những sáng tạo của anh Hoàng Đức Thảo đã đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực, có sức lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước, cũng như đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng cho anh danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Một vinh quang không phải nhà khoa học nào cũng có được thành tựu này. Ngày được trao tặng danh hiệu cao quí này, đó là một trong những ngày vui nhất của đời, đồng thời anh cũng nhận thức được rằng, để gìn giữ danh hiệu này mãi có giá trị cao đẹp là trách nhiệm của cá nhân thật nặng nề.

  Vinh quang tiếp nối vinh quang. Đầu năm nay, anh được vinh dự đón nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ 5 do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng cho cụm công trình: Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn,bảo vệ môi trường ,phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một giải thưởng danh giá và cao quí, 5 năm mới được trao giải một lần. Trước đó, một hội đồng cấp Nhà nước được thành lập theo một quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ để xét duyệt, thẩm định, phản biện một cách công tâm, khách quan. Những công trình được tuyển chọn, sàng lọc, hội đồng qui tụ các tên tuổi lớn, hàng đầu của nước ta về khoa học và công nghệ. Hội đồng giải thưởng lần 5 đã đánh giá cụm công trình của anh Thảo đặc biệt xuất sắc, có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Bởi lẽ, cụm công trình đã thiết lập được qui trình công nghệ tối ưu từ ý tưởng đến sáng chế, chế tạo, sản xuất và ứng dụng thành công (đưa vào hoạt động 8 nhà máy sản xuất những sản phẩm khoa học-công nghệ trên toàn quốc).

Điều đáng trân quý ở anh là tất cả những công trình nghiên cứu của anh không sử dụng nguồn ngân sách, bởi anh không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, không hề được đào tạo chính qui tại các trường đại học về KH-CN, chỉ do sự đam mê, thôi thúc của bản thân. Nhìn những thành tựu của anh, nhìn ánh mắt rạng ngời, luôn tìm tòi, khám phá, tôi nghĩ rằng, sáng tạo là tình yêu lớn nhất của đời anh. Nó đã trở thành nguồn vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc vô biên, một phần không thể thiếu trong cuộc đời anh. Sáng tạo đã đưa anh lên đỉnh cao của vinh quang, danh vọng, mà nhiều người ước mơ, kể cả những khoa học gia chuyên nghiệp. Nhưng vượt lên trên tất cả, những sáng tạo của anh đã đem lại lợi ích thiết thân cho nhiều người, cho thiên nhiên, môi trường, cho nền khoa học - công nghệ của nước nhà, cho ngày nay và cho ngày mai. Có lẽ vì thế nên nhiều công nhân, lao động của BUSADCO, nhất là những nhà khoa học của nước ta, mà người viết bài này có dịp quen biết vẫn thường trìu mến gọi anh là “ông vua” sáng tạo. Và, riêng tôi, anh hoàn toàn xứng đáng với tên gọi này.

Gia tài sáng tạo của Thảo thật đồ sộ. Anh chia sẻ: "Tôi là tác giả của 19 công trình sáng tạo về khoa học-công nghệ mới đem lại hiệu quả thiết thực, rõ rệt về kinh tế- xã hội cũng như bảo vệ môi trường,tập trung vào 3 lĩnh vực khoa học - công nghệ: về cơ khí chế tạo máy, đã nghiên cứu đưa vào sản xuất thành công 3 công trình khoa học với ba sản phẩm hữu ích,có tính bảo vệ môi trường cao.Đó là cụm máy tời nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước.

Công nghệ rung lắc áp dụng cho việc sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng. Cống điều tiết thủy triều nhằm súc rửa, hòa loãng, thoát nhanh nước thải ,giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ những kênh mương, hồ chết. Về công nghệ-sinh học:nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống xử lý nước thải đô thị, sinh hoạt phân tán, công nghệ xử lý nước thải cho nhà hàng, khách sạn, resort. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng:nghiên cứu, chế tạo thành công các loại bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn.Xây dựng các nhà máy sản xuất bê tông loại mới này để sản xuất đại trà nhằm cung ứng cho những công trình thuộc về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Từ dây chuyền cônh nghệ này, tôi đã sáng chế 16 công trình giải pháp hữu ích với 16 loại sản phẩm cung ứng cho xây dựng,có tính bảo vệ môi trường cao.

Hải Âu

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.