Vụ triệu hồi lớn nhất của Subaru: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Subaru thực hiện đợt triệu hồi lớn nhất lịch sử hãng
Subaru – hãng xe lớn thứ 6 Nhật Bản đã chính thức lên tiếng và cho biết họ đang triệu hồi gần 2 triệu xe gồm các mẫu phổ biến là Impreza và Forester tại Mỹ. Đây cũng là thị trường lớn nhất của Subaru. Tại các quốc gia khác, khoảng 300.000 xe cũng sẽ được sửa lỗi này. Thuộc diện triệu hồi là xe thuộc đời từ 2008 đến 2017. Tổng cộng Subaru sẽ triệu hồi 2,3 triệu xe trên toàn thế giới để kiểm tra, khắc phục lỗi.
Theo Reuters, đợt triều hồi lần này được thực hiện sau khi Subaru phát hiện một vấn đề tiềm ẩn liên quan đến công tắc đèn phanh.
Cụ thể, phanh vẫn hoạt động bình thường nhưng đèn phanh không bật sáng. Việc đèn phanh không hoạt động khiến những người tham gia giao thông khác không biết ý định dừng xe của người lái, do đó làm tăng nguy cơ va chạm do tai nạn.
Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cho biết lỗi này rất hiếm gặp, chỉ có 33 trường hợp báo lỗi tại Mỹ. Hãng đã phát hiện ra vấn đề và kêu gọi khách hàng có xe bị ảnh hưởng đến thay thế công tắc đèn phanh.
Subaru Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Subaru Việt Nam cho biết, có 7 xe tại Việt Nam nằm trong diện triệu hồi này, tất cả đều được nhập khẩu từ Nhật Bản.
Cách đây không lâu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã đăng thông báo triệu hồi 18 chiếc Subaru được nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam liên quan đến lỗi lò xo xu-páp động cơ bao gồm BRZ sản xuất năm 2013, XV sản xuất năm 2012-2013 và Forester sản xuất năm 2012 để tiến hành kiểm tra, sửa chữa và thay thế.
Cụ thể, theo thông tin từ nhà sản xuất, trên các dòng xe bị ảnh hưởng, nếu lò xo của bất kỳ một xu-páp nào bị gãy thì nó có thể gây ra tiếng ồn bất thường. Trong trường hợp xấu nhất có thể khiến động cơ chết máy đồng thời không khởi động lại và có khả năng gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Nguyên nhân được xác định là do dung sai đường kính lò xo xu-páp được thiết kế chưa phù hợp, dẫn đến vượt quá sức bền chịu mỏi của lò xo trong quá trình hoạt động và trong thành phần vật liệu chế tạo lò xo bị lẫn tạp chất siêu nhỏ làm cho độ bền của lò xo xu–páp bị giảm xuống, dẫn đến nứt gãy lò xo.
Thanh Tú