SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng Đất Việt: Tranh cãi gay gắt tại phiên tòa phúc thẩm

07:18, 17/07/2019
(SHTT) - Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện về bản quyền tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, bị đơn và nguyên đơn vẫn tranh cãi gay gắt và đưa ra những lập luận bảo vệ mình.

Ngày 16/7, TAND TP.HCM mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị là bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng Đất Việt: Công ty Phan Thị nói gì?

Tại tòa, phía bị đơn giữ nguyên quan điểm kháng cáo. Cụ thể, đại diện bị đơn cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng, thẩm quyền; không triệu tập Cục bản quyền tác giả; không công bố chứng cứ của người vắng mặt. Cùng đó, cấp sơ thẩm đã áp dụng điều ước quốc tế có lợi cho nguyên đơn; vi phạm nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật; không vô tư khách quan, thiên vị nguyên đơn…

"Tòa sơ thẩm tuỳ tiện áp dụng điều ước quốc tế về suy đoán quyền tác giả, vi phạm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Việc công nhận nguyên đơn là tác giả duy nhất tạo tiền lệ nguy hiểm, vô hiệu hoá điều luật bằng một bản án của toà án cấp quận...", đại diện cho bị đơn - ông Nguyễn Vân Nam cho biết.

vu tranh chap ban quyen than dong dat viet

 Vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng Đất Việt: Tranh cãi gay gắt tại phiên tòa phúc thẩm

Ông Nam cũng cho rằng, họa sĩ Lê Linh từng vẽ nhiều truyện gửi đến các NXB nhưng đều bị từ chối do không có dấu ấn cá nhân. Suốt phiên toà sơ thẩm, ông Linh không mô tả được ý tưởng ban đầu thì không thể là tác giả của các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong Thần đồng đất Việt. Ông Linh nói phong cách sáng tác bộ truyện này giống với Sơn Tinh - Thủy Tinh sáng tác trước đó nhưng thực tế phong cách hai bộ truyện này khác nhau.

Về việc làm tác phẩm phái sinh, ông Nam cho rằng ông Linh là nhân viên theo hợp đồng của Công ty Phan Thị. Toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho công ty này, do đó Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý của ông Linh.

Đại diện bị đơn cũng không đồng ý bản án sơ thẩm cho rằng Phan Thị làm tác phẩm phái sinh "là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm" mà không đề cập đến "như thế nào là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm". Theo đó, nếu bản án sơ thẩm được thực thi sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài về xuất bản, phim ảnh lo lắng vì luật pháp Việt Nam khuyến khích nhân viên lợi dụng quyền nhân thân, đòi hỏi chia theo doanh số, cản trở kinh doanh của công ty.

Từ đó, phía bị đơn yêu cầu HĐXX phúc thẩm bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu của bị đơn - công nhận bà Hạnh là đồng tác giả và Công ty Phan Thị được phép khai thác các nhân vật.

Vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng Đất Việt: Họa sĩ Lê Linh nói gì?

Tại phiên tòa, họa sĩ Lê Linh trình cho HĐXX về các phác thảo bằng tay được coi là chứng cứ bản quyền đầu tiên trước khi chúng được định hình trong các tập truyện Thần đồng đất Việt từ tập 1 đến tập 78.

Còn từ tập 79 trở đi thì Công ty Phan Thị thuê những hoạ sĩ khác nhìn lại những hình tượng của ông để vẽ và đây là hành vi xâm phạm bản quyền. 

Đối đáp lại quan điểm của phía bị đơn, họa sĩ Lê Linh khẳng định bà Hạnh chỉ cung cấp tư liệu cho ông sáng tạo: "Tôi viết trực tiếp lên bản thảo, tự nghĩ ra tất cả về tranh và lời thoại chứ hoàn toàn không phải ghi tên là hình thức lăng xê như bà Hạnh nói".

Họa sĩ Lê Linh cho rằng bản án sơ thẩm là hợp lý nên đề nghị tòa giữ nguyên phán quyết. Ông cho biết, tại văn bản gửi Cục bản quyền, không có dòng nào ông công nhận bà Hạnh là đồng tác giả. Từ ý tưởng đến vẽ phác họa đều do một mình ông thực hiện và cung cấp cho tòa các bản phác thảo sơ khai.

Theo họa sĩ, quyền nhân thân không được chuyển giao. Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, có quyền làm tác phẩm phái sinh dựa trên hình tượng gốc. Tuy nhiên, ở đây Phan Thị làm tác phẩm phái sinh khác với hình tượng gốc nên phải được sự đồng ý của ông.

Đại diện cho họa sĩ Lê Linh, luật sư Trương Thị Thu Hồng, đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, chứng cứ chứng minh quyền tác giả là ông Lê Phong Linh đã có đăng ký bản quyền tác giả từ tập 1 đến tập 78, tất cả các ấn bản đều có ghi tên họa sĩ Lê Linh.

“Luật quy định rằng tác giả phải là người trực tiếp thực hiện tác phẩm. Những điều nằm trong ý tưởng không thể hiện ra bằng hình thức vật chất thì không được bảo hộ. Giả sử ông Lê Phong Linh có thực hiện các nhân vật này theo sự mô tả của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, thì ông Linh vẫn là tác giả của tác phẩm đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định”, luật sư Hồng tranh luận tại tòa.

Họa sĩ Lê Linh hợp tác với bà Mỹ Hạnh và công ty Phan Thị vẽ bộ Thần đồng đất Việt từ năm 2002 đến năm 2005.

Năm 2007, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền với Cục bản quyền tác giả, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả với anh. Anh khởi kiện để giành quyền tác giả duy nhất. Tòa án Nhân dân TP HCM thụ lý đơn kiện.

Sau bốn lần xét xử, đến ngày 18.2.2019, Lê Linh được tòa công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và bốn hình tượng nhân vật trong truyện: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Sau đó, đại diện của công ty Phan Thị thì bên Phan Thị đã nộp đơn kháng án toàn bộ bản án của toà sơ thẩm.

Hải Hà

Tin khác

Tài sản trí tuệ 10 giờ trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Cuộc tranh luận pháp lý mới đây xoay quanh việc liệu các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không đang tiếp tục thu hút sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia tại Mỹ.