Vụ Thuận Thành kiện Sở KH&ĐT: Sẽ chắc thắng hơn nếu kiện tranh chấp thương mại
Phiên tòa xét xử vụ kiện hành vi hành chính giữa Công ty Cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch thuận Thành (Thuận Thành chính hãng) kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đà Nẵng vừa diễn ra ngày 18/4 tại TAND TP Đà Nẵng.
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Đà Nẵng chỉ ra nhãn hiệu Thuận Thành đang bị xâm phạm sở hữu trí tuệ, nếu rốt ráo khởi kiện vụ án tranh chấp thương mại thì… chắc thắng.
Kiện bây giờ là… muộn, Thuận Thành đã bị xâm phạm quyền SHTT?
Trước phiên xét xử sơ thẩm tại TAND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Khánh Toàn – CEO Taxi tải Thuận Thành chính hãng khá hồi hộp. Ông đến từ rất sớm chờ đợi phiên tòa nhiều lần tạm hoãn do các đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt cuối cùng cũng sắp diễn ra.
“Khoảng năm 2014, chúng tôi nhận được sự tín nhiệm của nhiều sở ban, ngành nên Thuận Thành vận chuyển di dời khoảng 80% các sở, ban ngành về trụ sở Trung tâm hành chính thành phố tại tòa nhà trái bắp (24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Sở KH&ĐT Đà Nẵng là một trong những cơ quan tin tưởng giao Thuận Thành vận chuyển, di dời trong thời gian 15 ngày”, ông Toàn nói không ngờ hôm nay lại gặp tại tòa với tư cách là bên khởi kiện.
Tại phiên Tòa, đại diện VKSND tóm tắt bản án: Theo đơn khởi kiện, đầu năm 2022, Thuận Thành chính hãng phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Vận tải và Dịch vụ Thuận Thành lợi dụng mạng xã hội, lập ra những trang web giả mạo, sử dụng logo, slogan độc quyền để quảng cáo sai sự thật và thực hiện kinh doanh vận chuyển dưới tên “Thuận Thành”.
Sau đó, trong quá trình tìm hiểu, Thuận Thành phát hiện thêm 2 đơn vị nữa đó là: Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ Vận Tải Thuận Thành 24h và Công ty TNHH Vận tải Thuận Thành 24h có cùng hành vi trên.
Hậu quả khách hàng sử dụng dịch vụ không hài lòng về giá cả và chất lượng nhưng bị nhầm lẫn là Thuận Thành chính hãng nên công ty bị mất lượng khách hàng lớn, ảnh hưởng uy tín, tình hình kinh doanh đi xuống nghiêm trọng. Trong đó, 3 công ty này được Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp phép đăng ký kinh doanh.
Ngày 28/3/2022, Thuận Thành gửi khiếu nại tới Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng về việc cấp giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp trùng tên gây nhầm lẫn. Đơn vị này gửi văn bản yêu cầu Thuận Thành phải có văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Ngày 6/6/2022, Thuận Thành gửi đơn khởi kiện ra TAND TP Đà Nẵng được Tòa thụ lý giải quyết. Tại phiên tòa ngày 18/4, Thuận Thành yều cầu tòa phân xử để Sở KH&ĐT hủy bỏ giấy phép đăng ký kinh doanh của 3 doanh nghiệp nói trên là đương sự có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Khi đại diện VKSND Đà Nẵng hỏi: "Dùng từ gần gũi là công ty “ăn nên làm ra” nhờ yếu tố nào, có phải 2 chữ “Thuận Thành”?. Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Thuận Thành trả lời: “Dạ đúng”.
Theo đại diện VKSND Đà Nẵng: “Tôi cho rằng khởi kiện bây giờ là muộn, nhưng không phải muộn trong vụ án này. Lẽ ra, Thuận Thành phải kiện sớm trong vụ án kinh doanh thương mại thì chắc thắng”.
Kiểm sát viên phân tích, hành vi dùng nhãn hiệu hàng hóa được Cục SHTT bảo hộ cho Thuận Thành chứa yếu tố “Thuận Thành” chắc chắn có sự xâm phạm gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. “Tôi khẳng định, Thuận Thành bị xâm phạm nhãn hiệu bởi công văn của Cục Sở hữu trí tuệ (khẳng định có dấu hiệu giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp)”. Như vậy, nếu kiện tranh chấp tên thương mại sau khi thắng, Sở KH&ĐT chắc chắn sẽ phải hủy bỏ quyết định đã cấp cho ba doanh nghiệp mà không cần ra tòa án hành chính.
Đại diện VKSND hỏi trong trường hợp giả thiết Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận không đúng, gây nhầm lẫn. Sau khi Tòa tuyên án, rút giấy phép đăng ký của 3 đương sự liên quan nếu nhãn hiệu Thuận Thành (giả mạo) còn tồn tại trên các xe, có các dịch vụ, website thì Sở KH&ĐH có chịu trách nhiệm sau khi hủy bỏ không?
“Trong vụ án này, bên người khởi kiện có quyền khởi kiện 2 vụ án là khởi kiện hành chính ngày hôm nay để yêu cầu hủy quyết định hành chính. Thứ 2 là xâm phạm tên kinh doanh thương mại”, đại diện VKSND Đà Nẵng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Thuận Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền về dịch vụ vận tải cùng tên thương hiệu, logo. “Người dân Đà Nẵng sẽ không quan tâm công ty thuộc loại hình Cổ phần hay TNHH mà chỉ biết đến Thuận Thành do đó việc cấp phép của Sở KH & ĐT như vậy sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng?”, CEO Thuận Thành đáp câu hỏi của chủ tọa.
Các đương sự có liên quan bặt tăm
Luật sư biện hộ cho Taxi tải Thuận Thành cho rằng hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp được vận hành chuẩn hóa từ năm 2010. Khi đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền có thể tra cứu trên hệ thống để biết được tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Luật sư đặt ra giả thiết có hay không việc sai sót, tắc trách trong thực hiện nhiệm vụ của phòng đăng ký kinh doanh? Việc cấp phép này có phải trái pháp luật, vi phạm trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp đã quy định.
Đồng thời cho rằng “quả bóng trách nhiệm” giữa các cơ quan quản lý cứ lăn qua lăn về khi doanh nghiệp “gõ cửa” công an quận Hải Châu, thanh tra Sở KH&CN, Phòng đăng ký kinh doanh. Tuy vậy, khi công ty Thuận Thành chính hãng gửi công văn khiếu nại và sau đó cung cấp văn bản ngày 17/5/2022 của Cục Sở hữu trí tuệ gửi Sở KH&CN kết luận Công ty TNHH Vận tải Thuận Thành 24h có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu nhưng vẫn không được giải quyết.
Tại phiên tòa, ông Lê Minh Tường – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng đính chính thời gian cấp giấy phép cho 3 đương sự liên quan khác với thời gian cấp phép được Thuận Thành ghi trong đơn khởi kiện trước đó. Ông Tường bảo vệ quan điểm Sở KH&ĐT làm tròn chức năng, nhiệm vụ tra cứu, cấp phép kinh doanh đối với doanh nghiệp TNHH Vận tải và Dịch vụ Thuận thành, TNHH Thương Mại Dịch Vụ Vận Tải Thuận Thành 24h và TNHH Vận tải Thuận Thành 24h.
“Anh em chúng tôi có khi 7 giờ tối chưa về tới nhà để xử lý công việc, chúng tôi đã rất nỗ lực. Nên nếu nói như luật sư là chủ quan”, ông Tường nói.
Ông Tường cũng khẳng định ông ở vị trí Phó Giám đốc trực tiếp quản lý phòng Đăng ký kinh doanh nhưng chưa từng làm việc trực tiếp những việc cụ thể tại phòng đăng ký kinh doanh, do đó quy trình phải hỏi Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh.
Ông Đoàn Việt Tiến – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - thông tin, trong 3 tháng gần đây, Phòng tiến hành cấp giấy phép kinh doanh cho khoảng 1000 công ty, 300 đơn đăng ký/ tháng và trả giấy phép trong 3 ngày kể từ ngày nhận đơn.
VKSND xét hỏi phía Sở KH&ĐT kể từ khi có đơn khởi kiện, đơn vị đã bao giờ gọi cho 3 doanh nghiệp lên làm việc.
Đại diện Sở KH&ĐT đáp đã xem xét chức năng về quản lý doanh nghiệp, sau khi rà soát tên doanh nghiệp nhận thấy không liên quan Sở nên Sở không có chức năng, không có quyền mời họ lên yêu cầu thay đổi tên, không có cơ sở nào dựa trên các quy định của pháp luật. "Ví dụ yêu cầu họ thay đổi tên họ sẽ kiện ngược một bản án với Sở”, đại diện Sở KH&ĐT nói.
Viện Kiểm sát cho rằng Sở KH&ĐT cần có động thái để họ biết hiện nay họ là đương sự trong vụ án này và có lời trình bày.
"Trong khi 3 doanh nghiệp có nghĩa vụ liên quan quyền lợi, lại sử dụng tên nhãn hiệu của doanh nghiệp khác trong thời gian dài để khai thác, thu lợi trái phép mà trong phiên Tòa này cũng không tham gia, không có văn bản trình bày đến Tòa. Lẽ ra họ tham gia trong phiên tòa sẽ biết cái sai để tham gia phiên Tòa tiếp theo. Chưa thấy có vụ án nào mà ba đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp nhưng không có tinh thần, thái độ hợp tác như 3 doanh nghiệp này”, kiểm sát viên nhận định.
Theo chủ tọa phiên Tòa, Khoản 2 điều 37 luật Doanh nghiệp năm 2020 tên doanh nghiệp gồm 2 thành tố, loại hình kinh doanh và tên riêng; điều 41 quy định tên trùng lặp và gây nhầm lẫn. Trong khi, 3 doanh nghiệp nêu trên khác về loại hình hoạt động bên là Cổ phần, bên là TNHH, bên là Thuận Thành bên là Thuận Thành 24h nên đơn kiện là không có cơ sở.
Thay mặt HĐXX, dựa trên tài liệu, xét hỏi công khai, tranh luận tại phiên tòa, đồng quan điểm với VKSND TP, chủ tọa Phiên tòa đọc quyết định căn cứ điều 30, điều 32, khoản 2 điều 193, 196, 206, 213 Luật Tố Tụng hành chính, căn cứ Nghị quyết 326 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thu miễn giảm án phí, lệ phí tòa án tuyên xử bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Thuận Thành về việc yêu cầu hủy giấy phép 3 doanh nghiệp. Thuận Thành chịu án phí 300.000 đồng.
CEO Thuận Thành Nguyễn Khánh Toàn cho biết sẽ kháng cáo phúc thẩm, thậm chí Tòa án tối cao.
“Chúng tôi biết họ lợi dụng thương hiệu, ăn theo, lừa gạt khách hàng. Nhưng nếu không có Sở KH&ĐT cấp phép thì họ không có cơ hội làm sai pháp luật. Đề nghị xem xét việc cấp giấy phép này có phù hợp, hợp pháp chưa? Có lỏng lẻo không để các doanh nghiệp khác lợi dụng sơ hở ăn trên mồ hôi nước mắt, công sức lao động của chúng tôi trong bao nhiêu năm qua?”, ông Toàn nói.
Bảo Hòa