SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Vụ Nathan Lee đăng ký thương hiệu 'Cao Thái Sơn': Các luật sư nói gì?

15:19, 01/04/2022
(SHTT) - Thông tin Nathan Lee đăng ký độc quyền thương hiệu Cao Thái Sơn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Các luật sư cũng đã lên tiếng về vụ việc này.

 Dù đã nhiều tháng trôi qua nhưng căng thẳng giữa Nathan Lee và Cao Thái Sơn dường như vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Mới đây, mạng xã hội tiếp tục xôn xao thông tin ông Trương Triều Trúc Lân (tên thật của Nathan Lee) đăng ký sử dụng độc quyền thương hiệu "Nathan Lee" trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Đáng chú ý, có tin đồn nam ca sĩ cũng đã đăng ký sử dụng độc quyền luôn tên thương hiệu "Cao Thái Sơn".

Nathan Lee đã chính thức xác nhận chuyện đăng ký độc quyền thương hiệu "Cao Thái Sơn". Cụ thể, anh chia sẻ: "Tôi xác nhận thông tin là đúng. Và đó không phải tên thương hiệu duy nhất mà Nathan Lee đã đăng ký sở hữu. Tôi nói ít làm nhiều".

nathan lee1

 

Về vụ việc này, các luật sư cũng đã chia sẻ ý kiến.

Chia sẻ trên báo Dân Trí, luật sư Trần Văn Điệp - Giám đốc công ty Luật TNHH Minh Anh cho biết, hiện nay, đơn đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" của ông Trương Triều Trúc Lân đang ở giai đoạn thẩm định nội dung đơn và chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Trước câu hỏi: "Việc ông Trương Triều Trúc Lân đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" liệu có được pháp luật cấp văn bằng bảo hộ hay không?", luật sư Trần Văn Điệp khẳng định:

"Quan điểm của chúng tôi là việc ông Trương Triều Trúc Lân đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Thứ nhất, việc ông Trương Triều Trúc Lân đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" có thể bị coi là có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác.

Nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại điểm K, khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ.

Hiện tại, trong thị trường âm nhạc Việt Nam thì ông Cao Thái Sơn là nghệ sĩ nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật tại Việt Nam với nghệ danh - đồng thời là tên thật là Cao Thái Sơn. Dấu hiệu này đã được ca sĩ sử dụng rộng rãi ngay từ những ngày đầu hoạt động nghệ thuật.

Dấu hiệu này có thể được coi là tên thương mại hợp pháp thuộc toàn quyền sở hữu và gắn liền với ông Cao Thái Sơn theo quy định tại Khoản 21, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 thì "Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh".

"Cao Thái Sơn" là tên khai sinh đồng thời là tên gọi của cá nhân ông Cao Thái Sơn khi xưng danh hoạt động nghệ thuật; đồng thời là cái tên mà công chúng, người thưởng thức sản phẩm âm nhạc và nghệ thuật liên quan dùng để gọi và phân biệt ông Cao Thái Sơn với những nghệ sĩ khác.

Tên gọi, nghệ danh của người nổi tiếng nói chung và ca sĩ nói riêng có thể được coi là một tài sản vô hình có giá trị vô cùng lớn mà người nổi tiếng đã mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể gây dựng được.

Hoạt động giải trí, nghệ thuật mà ông Cao Thái Sơn đang thực hiện là hoạt động kinh doanh sinh lợi (theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 và Khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014).

Theo đó, ông Sơn thực hiện các công việc nghệ thuật như: biểu diễn ca nhạc trực tiếp, sản xuất các sản phẩm âm nhạc dưới dạng bản ghi để bán (CD, DVD,…) và khai thác trực tuyến trên các ứng dụng, mạng xã hội và website về âm nhạc,… Tất cả đều dựa trên mục đích hoạt động nghệ thuật và tìm kiếm lợi nhuận và thực tế đã có những khoản lợi nhuận nhất định được ghi nhận qua các Hợp đồng, vé phát hành.

Bên cạnh đó, trước thời điểm ông Cao Thái Sơn sử dụng nghệ danh này của mình để hoạt động giải trí, nghệ thuật thì chưa tồn tại một tên gọi hoặc tên thương mại tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu hiệu này. Cụ thể không có bất kì tranh chấp hay khiếu nại nào với việc sử dụng nghệ danh này.

Thứ hai, Việc ông Trương Triều Trúc Lân đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" có thể bị coi là có yếu tố gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối cho người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 5, Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005: "Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ."

Trường hợp ông Trương Triều Trúc Lân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" trong dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật tại Nhóm 41 có thể làm cho công chúng nghĩ rằng nhãn hiệu đó do ông Cao Thái Sơn cung cấp hay thuộc sở hữu của ông Cao Thái Sơn mà thực tế lại không phải như vậy.

Từ đó việc đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" có thể bị coi là có yếu tố gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối cho người tiêu dùng.

Vì thế, đơn đăng ký nhãn hiệu "Cao Thái Sơn" - số đơn 4-2021-39746 của ông Trương Triều Trúc Lân không đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu do không có khả năng phân biệt của nhãn hiệu theo Điểm K, khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ và dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu theo khoản 5, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ."

Tong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ban hành năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) không ngăn cản việc đăng ký một nhãn hiệu là tên họ của một người hoặc cả họ và tên. Tên, họ của một người được xử lý trong đăng ký như các nhãn hiệu khác. Bên cạnh đó, Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định rằng tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Do đó, ông Trương Triều Trúc Lân (Nathan Lee) có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa mà mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

Cũng theo luật sư Tiến, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Trong đó có “dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ”. Vì thế, luật sư cho rằng nếu Cao Thái Sơn là tên thật và cũng là một ca sĩ nổi tiếng thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên Cao Thái Sơn có thể làm cho người tiêu dùng nghĩ rằng nhãn hiệu đó do nam ca sĩ cung cấp hay thuộc sở hữu của anh, mà thực tế lại không phải như vậy. “Từ đó việc đăng ký tên người nổi tiếng có thể bị coi là có yếu tố gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”, ông Tiến phân tích.

Luật sư Tiến nói đối với thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên người nổi tiếng, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu người đăng ký chứng minh được việc đăng ký tên Cao Thái Sơn đã được chính ông Cao Thái Sơn đồng ý và cho phép hoặc chứng minh việc sử dụng tên này không ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, uy tín, danh dự của những người nổi tiếng đó. “Và ông Cao Thái Sơn có quyền gửi đơn phản đối việc ông Nathan Lee sử dụng tên của mình để đăng ký nhãn hiệu”, nam luật sư chia sẻ.

Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Nguyễn Trọng Hào, Đoàn LS TP.HCM, cho biết Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. “Ca sĩ Nathan Lee chỉ có thể tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ, không phải độc quyền thương hiệu” - LS Hào nhận định.

Theo LS Hào, việc dùng tên người hoặc tên tổ chức để đăng ký nhãn hiệu được Luật Sở hữu trí tuệ dựa trên các tiêu chí sau để cho hay không cho phép đăng ký:

Nếu nhãn hiệu này đã được đăng ký trên thế giới (chưa đăng ký ở Việt Nam) thì không được đăng ký.

Trường hợp nhãn hiệu này chưa đăng ký trên thế giới và cả ở Việt Nam thì sẽ có các trường hợp sau:

Đối với các nhãn hiệu không nổi tiếng, không được nhiều người biết đến thì được đăng ký.

Ngược lại, nhãn hiệu được nhiều người biết đến, hoặc đã nổi tiếng, hoặc trùng với tên địa danh thì không được đăng ký. Thí dụ: Chữ “NEW YORK” hay “SAIGON” sẽ không được đăng ký vì là địa danh đã được nhiều người biết đến.

Như đã phân tích ở trên, tên thật hay nghệ danh của một cá nhân khi được đem đi đăng ký thì được gọi là nhãn hiệu hàng hóa và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ căn cứ vào các quy định trên để cấp hoặc không cấp cho người đăng ký.

  “Đây là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, không liên quan đến quyền nhân thân của một người. Tên thật hay nghệ danh của một người là quyền nhân thân, quyền này là bất khả xâm phạm và đương nhiên được pháp luật bảo vệ khi chúng ta xác lập quyền này (bằng giấy khai sinh, cải chính họ tên...). Tuy nhiên, trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ không có liên quan gì đến quyền nhân thân của người có tên hay nghệ danh đó. Nathan Lee có đăng ký thành công nhãn hiệu Cao Thái Sơn thì cũng không ảnh hưởng đến quyền sử dụng tên này của ca sĩ Cao Thái Sơn” - LS Hào khẳng định.

LS Ngô Việt Bắc, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng đăng ký độc quyền “thương hiệu” để chỉ một cái tên gắn liền với một cá nhân, tổ chức (thương hiệu cá nhân, tổ chức) mang những nét đặc trưng riêng được rộng rãi công chúng biết đến.

Tuy nhiên, đây không phải là thuật ngữ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019 mà chỉ là thuật ngữ thông thường. Thay vào đó, Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về “đăng ký nhãn hiệu” với các điều kiện để xác định một dấu hiệu được bảo hộ.

Thế nên, khi một cá nhân, tổ chức muốn đăng ký bảo hộ độc quyền tên tuổi riêng thì có thể thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, một trong các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu là: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài”.

Như vậy, ngoài tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài thì cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký nhãn hiệu tên của người nổi tiếng nhưng nhãn hiệu đăng ký phải chưa bị trùng hoặc tương tự với bất kỳ tên gọi hay nhãn hiệu nào của người khác đã đăng ký trước trong lĩnh vực cùng loại hoặc tương tự.

Hà Anh

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.