Vụ kiện bản quyền giữa Oracle và Apple: Trận chiến pháp lý về Java kéo dài cả thập kỷ
Buổi điều trần cho vụ tranh chấp pháp lý kéo dài hơn thập niên giữa hai gã khổng lồ công nghệ Oracle và Google là sự kiện mang tính bước ngoặt tiềm năng, với kết quả có thể thay đổi vĩnh viễn bức tranh ngành phần mềm Mỹ. Trung tâm của vụ tranh chấp là liệu giao diện lập trình ứng dụng (API) có trở thành đối tượng được bảo vệ bản quyền hay không.
Cụ thể, Oracle đã tuyên bố Google vi phạm bản quyền khi sử dụng các thành tố trong ngôn ngữ lập trình Java thuộc sở hữu của Oracle để xây dựng hệ điều hành Android. Hiện hệ điều hành này đang là nền tảng cho hàng tỉ điện thoại và thiết bị thông minh khác.
Google đã bác bỏ cáo buộc trên, chỉ ra rằng chỉ 11.500 dòng code trong số hàng triệu dòng được dùng để viết nên Android có liên quan tới sản phẩm của Oracle. Trận chiến này đã kéo dài hơn 10 năm và số tiền Oracle đòi bồi thường là 9 tỉ USD.
Google và nhiều đồng minh khác ở Thung lũng Silicon đã lập luận rằng việc mở rộng bản quyền đối với các đoạn mã, được gọi là giao diện lập trình ứng dụng (API), sẽ cản trở sự đổi mới trong thế giới kỹ thuật số vốn đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Google, một chiến thắng pháp lý cho Oracle sẽ “kết thúc sự mong đợi từ lâu” của các nhà phát triển phần mềm về việc họ được tự do sử dụng các giao diện phần mềm máy tính hiện có để xây dựng các chương trình mới.
Liên minh các nhà phát triển, một nhóm phi lợi nhuận bao gồm các nhà sản xuất ứng dụng và các công ty công nghệ khác, đã đệ trình một bản tóm tắt hỗ trợ với nội dung tương tự như Google, khi cho rằng “nếu không có API chia sẻ, mọi thiết bị và chương trình sẽ là một ốc đảo và việc phát triển phần mềm hiện đại là không thể xảy ra”.
Trong nhiều năm qua, các lập trình viên tại startup hay công ty lớn vẫn thường sao chép miễn phí API và sử dụng chúng để kết nối các ứng dụng dành cho những nền tảng thương mại trực tuyến, hệ thống sản xuất tiên tiến và nhiều thành phần khác của nền kinh tế số.
Nếu toà tối cao kết luận Google đã vi phạm bản quyền thuộc về Oracle, điều này có thể tạo nên một làn sóng kiện tụng khác khi hàng loạt doanh nghiệp đệ đơn ra toà để bảo vệ API của mình.
Hương Mi