SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Vụ Asanzo: Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Hải quan và Tổng cục quản lý thị trường lần lượt lên tiếng

07:22, 23/09/2019
(SHTT) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, kết luận chính thức về Asanzo vẫn phải chờ các cơ quan chức năng.

Liên quan đến những thông tin xoay quanh vụ Asanzo gian lận xuất xứ hàng hóa, trả lời VTC News mới đây, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, kết luận chính thức về Asanzo vẫn phải chờ các cơ quan chức năng.

Theo ông Cẩn, các nghi vấn liên quan đến thông tin Asanzo gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, các công bố mới đây chưa thể xem là kết luận cuối cùng mà cần chờ đợi công bố chính thức từ cơ quan chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng từ chối bình luận về cuộc họp báo mới đây của Asanzo.

Mới đây, tập đoàn Asanzo đã đăng tải thông báo liên quan đến việc tổ chức họp báo với nội dung: “Chúng tôi được minh oan” vào ngày 17/09/2019 tại Hà Nội. 

Trước rất đông đảo phóng viên tham dự, phía đại diện Asanzo đưa ra hai nội dung báo cáo để qua đó khẳng định mình bị “oan” trước cáo buộc giả xuất xứ hàng hoá.

Văn bản thứ nhất, đó là báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Tổng cục Quản lý Thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

“Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý Thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp”, đại diện Asanzo cho biết.

asanzo (1)

Vụ Asanzo họp báo 'tự minh oan': Tổng cục Hải quan nói gì? 

Văn bản thứ hai mà Asanzo cho rằng đã khẳng định mình không giả xuất xứ hàng hoá đó là báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

“Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các sản phẩm điện tử Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”, đại diện Asanzo nói.

Đại diện Asanzo khẳng định, báo Tuổi Trẻ quy chụp Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không có bất kỳ biên bản kiểm tra nào của các cơ quan chức năng kết luận Asanzo có sai phạm trong việc sử dụng slogan này.

Về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo có xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý.

Trên thực tế, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12/9/2019, Sharp Roxy đã có văn bản tuyên bố rằng: “Theo yêu cầu của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, chúng tôi, Sharp Roxy HongKong, tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”.

Trả lời câu hỏi của báo giới về tính khách quan của buổi họp báo hôm nay khi Asanzo tự công bố các tài liệu để minh oan cho mình. Bởi vì trước đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và Công an điều tra Asanzo và công bố kết luận. Cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa công bố kết luận nhưng Asanzo lại tự công bố trước.

Trả lời về vấn đề này, luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp lý của Asanzo cho biết: Không chỉ là người dân, cơ quan báo chí mà bản thân ông Tam cũng rất nôn nóng, muốn tiếp xúc với văn bản kết luận của Bộ Tài chính. Ông Tam đã 3 lần đi từ Sài Gòn ra Hà Nội xin gặp Bộ Tài chính, Hải quan để xin phép được giải trình và muốn được biết về dự thảo kết luận, ông Tam cũng mong được biết cơ quan chức năng kết luận về hoạt động công ty thế nào để có cơ hội giải thích, giải trình. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hướng dẫn ông Tam đến Tổng cục Hải quan để hỏi thông tin, khi đến Tổng cục Hải quan lại hướng dẫn ông Tam về nội dung bản kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan sau khi kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu của Asanzo.

“Chúng tôi hiểu rằng cho đến nay chưa có cơ quan nào kết luận về vấn đề của Asanzo. Asanzo không thể chờ đợi thêm nữa, Asanzo cần phải công bố những tài liệu mà cơ quan chức năng cung cấp để quay trở lại tiếp tục hoạt động. Asanzo phải hoạt động trở lại để những người lao động của Asanzo có thể quay trở lại làm việc, họ đều là trụ cột gia đình họ cần phải làm việc để lo cho cuộc sống gia đình. Asanzo chỉ công bố những thông tin mà cơ quan nhà nước cung cấp cho Asanzo, Asanzo đảm bảo tính trung thực của các văn bản này. Nếu sai Asanzo chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước. Chúng tôi rất nôn nóng”, ông Trần Đức Hoàng nói.

Trao đổi với VTC News sau buổi họp báo, trong đó có việc đại diện Asanzo dẫn báo cáo của Quản lý thị trường không đưa ra kết luận vi phạm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, cơ quan này chỉ tham gia xác minh thông tin theo đề nghị của Tổng cục Hải quan về kiểm tra sau thông quan chứ không được lập đoàn thanh kiểm tra và cũng không có thẩm quyền đưa ra kết luận về vi phạm của Asanzo (nếu có). “Báo cáo của chúng tôi gửi Văn phòng 389, gửi Hải quan, gửi cả cơ quan cảnh sát điều tra không hề kết luận, vì mình có thẩm quyền kết luận đâu”, ông Trần Hữu Linh nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 18/9, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng khẳng định chưa có kết luận cuối cùng về Asanzo và nhấn mạnh: “Hãy chờ cơ quan chức năng, đừng nghe ngoài lề những gì không chính thống”.

Ở một diễn biến khác, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Sharp (Nhật) vừa phát thông báo khẳng định Tập đoàn Asanzo giả mạo bằng chứng về việc Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản do Sharp-Roxy (Hong Kong) chuyển giao.

Theo đó, Sharp cho biết, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (SVN) dưới danh nghĩa công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp đã nhận được thông tin rằng trong buổi họp báo ngày 17/9 của một nhà sản xuất Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo công bố trước công chúng về bằng chứng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản như các phát ngôn trên truyền thông.

Đó là bằng chứng về mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp - Roxy (Hong Kong) – SRH. 

Asanzo đã công bố lá thư xác nhận của SRH về mối quan hệ hợp tác này vào ngày 12/9/2019 như là bằng chứng. 

Tuy nhiên, SRH đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng Công ty Roxy vào ngày 31/10/2016.

Cụ thể, ngày 25/9/2016 Tập đoàn Sharp kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy và SRK trở thành công ty con 100% vốn sở hữu tại Tập đoàn Sharp. 

Tiếp đó, ngày 31/12/2016 đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp – Roxy (Hong Kong) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. 

"Dựa trên sự thật đó, việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12/9/2019 là không thể xảy ra. Do đó, chúng tôi tin rằng lá thư xác nhận bởi SRH được công bố bởi Asanzo trong buổi họp báo của họ vào ngày 17/9/2019 là giả mạo", thông cáo của Sharp Việt Nam khẳng định.

Đồng thời, nội dung mà Asanzo đưa ra "Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan, cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực là không đúng sự thật", tổng giám đốc Masashi Kubo nhấn mạnh.

Sharp Việt Nam cũng cho rằng việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được gây dựng hơn 107 năm, "và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Đồng thời cho biết, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu.

Minh Châu

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 11, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ trong vụ kiểm tra kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 6, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Chiều 28/3 vừa qua, tại Siêu thị Trung Vân, địa chỉ Khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Đình Thành làm chủ, lực lượng QLTT đã phát hiện lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.