SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

VN Pharma, 'hoa hồng máu' và những điều bí ẩn

13:50, 18/10/2017
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc H-Capita có phải là thuốc giả; hàng tỷ đồng "hoa hồng máu" chi cho ai, vai trò cơ quan quản lý cần làm rõ trong phiên phúc thẩm vụ VN Pharma.

Từ một công ty sinh sau đẻ muộn, VN Pharma đạt được sự phát triển thần kỳ đến mức không tưởng, khi mở hàng loạt chi nhánh và công ty con. Việc trúng các gói thầu tiền tỷ với Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện lớn góp phần đưa công ty này trở thành "đế chế nghìn tỷ" trong ngành dược chỉ sau 3 năm thành lập.

"Đế chế VN Pharma" chỉ thực sự sụp đổ sau khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt và truy tố vì tội làm giả giấy tờ để nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa ung thư.

Từ đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc H-Capita là thuốc giả hay chỉ có giấy tờ giả? Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm buôn lậu hay buôn bán thuốc chữa bệnh giả? Những góc tối về "hoa hồng" cho bác sĩ và quy trình quản lý dược của Bộ Y tế cũng dần hé lộ trong tiến trình vụ án...

“Kỳ tích Thánh Gióng”

Nguyễn Minh Hùng thành lập Công ty VN Pharma năm 2011, khi đó vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty dược này chỉ mới 33 tuổi. Dù vậy, VN Pharma có kỳ tích phát triển thần tốc hơn mọi công ty dược khác khi lần lượt trúng các gói thầu tiền tỷ.

Không chỉ hình thành các chân rết và chiếm lĩnh thị trường TP.HCM, công ty của Nguyễn Minh Hùng nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuống miền Tây, thậm chí ra miền Bắc, khi thành lập chi nhánh phân phối tại Hà Nội. “Đó chỉ có thể gọi là kỳ tích của Thánh Gióng”, một người làm trong ngành dược nhận xét.

vn pharma

 

Với mức vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng khi thành lập năm 2011. Hai năm sau, Nguyễn Minh hùng đã nâng số vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng. Cùng với hành trình trở thành một “thế lực” trong ngành dược, kết quả kinh doanh của công ty này cũng trở nên đáng kinh ngạc.

Từ vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu trong năm đầu tiên, đến năm 2012, doanh thu của VN Pharma đã đạt 328 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu tăng lên 779 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của VN Pharma dự kiến cán mốc 1.077 tỷ đồng.

"Đế chế VN Pharma" chỉ chấm dứt vào tháng 9/2014, khi Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng bị bắt và bị khởi tố vì tội làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức để nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita.

Đường đi của thuốc chữa ung thư

Đầu năm 2013, sau khi "bành trướng" thế lực phân phối dược phẩm tại miền Tây và miền Bắc, Nguyễn Minh Hùng đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc tân dược có nhãn mác ghi tên Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. trụ sở ở Canada, trong đó có thuốc H-Capita 500 mg Caplet (thuốc chứa hoạt chất Capecitabine có tác dụng làm chậm hoặc ngừng tăng trưởng tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u).

Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo hai nhân viên viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500 mg để hợp thức hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc.

"Để VN Pharma chui qua bao nhiêu bước kiểm định, trách nhiệm của Bộ Y tế, Cục quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM vẫn là không có gì?"

Bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Tháng 10/2013, VN Pharma đã đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu hơn 200.000 hộp thuốc H-Capita.  Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ thuốc đạt yêu cầu dù không thống nhất tên thuốc, hạn dùng và một số thông tin khác.

Trên cơ sở hồ sơ của công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược duyệt nhập đối với đơn hàng trên. Ngày 30/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý dược Trương Quốc Cường ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, trong đó 9.300 hộp về Việt Nam.

vn pharma 1

 

vn pharma 2

 

vn pharma 3

 Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8/2017. Bị cáo Võ Mạnh Cường (ảnh dưới, góc trái) lĩnh 12 năm tù. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (ảnh dưới, góc phải) lĩnh 12 năm tù. Ảnh: Kỳ Hoa - Chi Mai.

Tuy nhiên, sau khi cấp phép, do nghi ngờ về nguồn gốc nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Nguyễn Minh Hùng giải trình, đồng thời kiểm tra đột xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, từ năm 2012 đến năm 2014, Nguyễn Minh Hùng cũng làm giả hợp đồng mua bán thuốc với công ty Austin Hong Kong, để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K- Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin)... Trị giá hàng buôn lậu hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng bị bắt khi kế hoạch kinh doanh của VN Pharma năm này dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 21-25/8/2017, TAND TP.HCM đưa 9 bị cáo trong vụ VN Pharma ra xét xử tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu.

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng lĩnh 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù, Nguyễn Trí Nhật 5 năm tù, Ngô Anh Quốc 4 năm tù, Lê Thị Vũ Phương 3 năm tù, Phan Cẩm Loan 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy 1 năm 6 tháng tù, Phạm Anh Kiệt 2 năm tù treo, Phạm Văn Thông 2 năm tù treo.

Hàng giả hay hàng kém chất lượng?

Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch VN Pharma, cho rằng bị cáo không nhập thuốc giả mà chỉ nhập thuốc không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát cho biết các cơ quan tố tụng đã kết luận đây không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về tội Buôn lậu chứ không bị truy tố về hành vi Sản xuất - buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Tại toà, luật sư đã đề nghị giám định lại chất lượng lô thuốc H-Capita. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây là vụ án buôn lậu chứ không phải buôn bán hàng giả, vì vậy việc giám định chất lượng thuốc là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo kết luận của Bộ Y tế, 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người. Vì thế, một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong vụ án VN Pharma là: Nếu H-Capita không phải là thuốc giả nhưng không được dùng để chữa bệnh cho người thì đó là loại thuốc gì?

Trả lời chất vấn của báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Về việc VN Pharma nhập khẩu thuốc giả hay thuốc kém chất lượng, cơ quan chức năng đã có kết luận và khẳng định H-Capita không phải là thuốc giả căn cứ theo Luật Dược 2005 và Luật Dược 2016. Theo đó, hàm lượng dược chất của H-Capita là 97,5 %, vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

"Hành vi của VN Pharma là tội ác, cần phải bị trừng phạt bằng bản án nghiêm minh, tương xứng với tội buôn bán hàng giả".

Ông Trần Hùng, nguyên Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia

Theo VKS cấp cao, kết luận giám định nói thuốc không dùng được cho người nhưng các đối tượng này lại nhập về để chữa bệnh cho người, lẽ ra phải kết luận là thuốc giả chứ không phải là thuốc kém chất lượng.

Ông Trần Hùng, nguyên Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho rằng: “Hành vi của VN Pharma là tội ác và cần phải bị trừng phạt bằng bản án đúng đắn, nghiêm minh, tương xứng với tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

TS Vũ Thị Thúy, giảng viên Khoa Hình sự, Đại học Luật TP.HCM, viện dẫn điểm C khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, về thuốc giả gồm thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Từ đó, bà Thúy khẳng định: “Xét quy định này, đáng lẽ H-Capita phải được kết luận là “hàng giả”.

Trách nhiệm của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế?

Sau phiên xét xử hồi tháng 8, TAND TP.HCM đề nghị làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược gồm: Ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó cục trưởng Cục quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) là những người có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet.

Những cán bộ này đã cho rằng hồ sơ “đạt yêu cầu” và đề xuất ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược, ký duyệt, cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu dù không thống nhất tên thuốc, hạn dùng và môt số thông tin khác.

Trong đó, với tư cách là một chuyên gia trong ngành dược, bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho rằng Cục quản lý Dược là đơn vị trực tiếp ký duyệt hồ sơ cho phép VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita. Vì thế, nhận định rằng cục đã phối hợp tốt với cơ quan điều tra trong việc cung cấp bằng chứng nên được miễn truy tố là không hợp lý.

Theo bà Lan, Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và thực hiện luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên phụ trách liên quan đến vụ VN Pharma. Tuy nhiên trên thực tế, ông Nguyễn Tất Đạt thời điểm duyệt hồ sơ cho thuốc H-Capita là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, bây giờ đã là Phó cục trưởng Cục quản lý Dược.

Còn ông Trương Quốc Cường thời điểm ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita là Cục trưởng Cục quản lý Dược, bây giờ đã lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế. “Bộ Y tế nói kỷ luật cán bộ nhưng sao vẫn để họ thăng chức như vậy?”, bà Phong Lan đặt câu hỏi.

Không những lọt qua khâu kiểm tra hồ sơ của Cục quản lý Dược mà lô thuốc của VN Pharma còn lọt qua cả khâu đấu thầu của một số bệnh viện. Theo bà Phong Lan, lỗ hổng trong việc đấu thầu dược phẩm hiện nay là thang điểm kỹ thuật do Bộ Y tế đưa ra không chặt chẽ, dẫn đến việc thay vì xét chỉ tiêu chất lượng trước, rồi xét đến giá cả thì hầu hết dược phẩm đều lọt qua khâu kiểm tra kỹ thuật, chỉ còn cạnh tranh nhau về giá.

"Tôi khẳng định là Công ty VN Pharma không liên quan gì đến người thân của tôi. Tôi cũng không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như trên mạng thêu dệt".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

“Để công ty VN Pharma chui qua bao nhiêu bước kiểm định chất lượng và xuất xứ như vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế, của Cục quản lý Dược, của Sở Y tế TP.HCM vẫn là không có gì? Những nghi ngờ của dư luận trong thời gian vừa qua là hoàn toàn có cơ sở, bây giờ vấn đề là các anh có tự nhận thấy lỗi của mình để sửa hay không thôi”, bà Phong Lan nói.

Ngoài ra, sự góp mặt của ông Hoàng Quốc Dũng (em trai chồng Bộ trưởng Tiến) với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng và đầu tư cho VN Pharma từ năm 2013-2014, khiến dư luận đặt những dấu hỏi lớn. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tiến khẳng định VN Pharma không liên quan đến người thân của bà; đồng thời, bộ trưởng cương quyết cho hay bà không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như tin đồn.

Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết Luật Phòng chống tham nhũng quy định những người thân của người đứng đầu không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực bao gồm: Cha, mẹ, vợ, chồng, con. Theo đó, em chồng không phải là người thân và không bị cấm theo luật.

7,5 tỷ đồng chi "hoa hồng máu"

Không chỉ là câu chuyện thuốc ung thư giả, làm giả giấy tờ, VN Pharma cũng hé lộ những góc khuất trong mối quan hệ giữa các công ty dược và bác sĩ tại các bệnh viện. Khai tại toà, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng VN Pharma) cho biết đã tự ý nâng khống giá thuốc nhằm hợp thức hoá khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ.

Trong quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cũng đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc.

Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỉ đồng. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty.

Để luân chuyển dòng tiền này đến tay bác sĩ, các cá nhân trong công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như công ty Sa Chempha ở Camphuchia; công ty Sigma Holding và công ty Auspicious ở Hong Kong. Trong đó, Ngô Anh Quốc đứng tên số tiền trên 70 tỉ đồng; Nguyễn Trí Nhật đứng tên số tiền 59 tỉ đồng; Lê Thị Vũ Phương đứng tên số tiền 27,5 tỉ đồng; Nguyễn Văn Vàng đứng tên số tiền 5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định: “Thực chất số tiền này là tiền của VN Pharma sử dụng chi phí hoa hồng cho các bệnh viện”. Tuy nhiên, câu hỏi số tiền 7,5 tỷ đồng này dùng để “bôi trơn” cho những ai đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

vn pharma 5

 

Theo Zing.vn

Tin khác

Pháp luật 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 19 giờ trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.