Vinh danh 5 nhà khoa học nữ nổi tiếng toàn cầu
Marie Curie
Marie Skłodowska - Curie là một nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Ba Lan. Bà được coi là người tiên phong trong việc nghiên cứu về tính phóng xạ, kỹ thuật để cô lập đồng vị phóng xạ và phát hiện ra hai nguyên tố, polonium và radium.
Sau khi nhập quốc tịch Pháp, Marie Skłodowska - Curie đã sử dụng cả hai họ, vì bà không bao giờ quên đi bản sắc của dân tộc Ba Lan. Marie cũng đã dạy cho con gái học tiếng Ba Lan, và đưa chúng đi thăm quê hương mình.
Tình yêu quê hương của bà Marie còn được thể hiện thông qua việc đặt tên cho nguyên tố hóa học đầu tiên mà bà phát hiện ra là poloni, nghĩa là Ba Lan.
Đến nay, bà Marie không chỉ là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel, mà còn là nữ nhân duy nhất vinh dự giành được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau - vật lý và hóa học.
Ada Lovelace
Ada Lovelace là nhà toán học người Anh, và cũng được xem là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.
Bà đã có những phân tích chi tiết về máy phân tích (The Analytical Engine) của Charles Babbage – một loại máy tính đời đầu. Các ghi chép của bà về máy phân tích này được xem như những thuật toán đầu tiên của nhân loại.
Thành tựu của bà đã truyền cảm hứng cho Alan Turing (cha đẻ của ngành khoa học máy tính) thực hiện những nghiên cứu về máy tính hiện đại. Sau này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát triển một ngôn ngữ lập trình và đặt theo tên bà.
Jane Goodall
TS. Jane Goodall (88 tuổi) là một nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh, đồng thời là sứ giả hòa bình của Liên Hợp Quốc - người đã dành cả đời để đấu tranh bảo vệ môi trường xanh và sạch.
Năm 1960, khi mới chỉ hơn 20 tuổi, bà đã đến Kenya, châu Phi để nghiên cứu về tập tính và đời sống của loài tinh tinh. Đến nay, bà đã có trên 40 năm sống và làm việc ở châu Phi và những nghiên cứu của bà được nhiều người đánh giá là "đã ảnh hưởng đến toàn thế giới nói chung và thế giới động vật nói riêng".
Ngày nay dù đã ở tuổi 81 và không còn làm việc trong rừng nữa, nhưng Jane vẫn tiếp tục làm việc bằng cách di chuyển suốt 300 ngày trong một năm để diễn thuyết nhằm nâng cao nhận thức của con người về môi trường, về tự nhiên và các loài động vật. Bất kể đi tới nước nào, bà cũng mang theo một chú khỉ bông cầm quả chuối để giúp bà nhớ tới Jubilee - người bạn thân thiết khi xưa của bà.
Maria Goeppert-Mayer
Nhà khoa học Mỹ sinh ở Đức này là một trong những người đã đặt nền móng cho ngành vật lý hạt nhân. Mặc dù sở thích của bà là toán học, nhưng sau đó bà đã chuyển qua vật lý.
Mayer nổi tiếng với đề xuất về nuclear shell model (mẫu hạt nhân nguyên tử sử dụng nguyên lý ngoại trừ Pauli, để mô tả cấu trúc của hạt nhân dưới dạng mức năng lượng).
Bà cũng làm việc trong dự án Manhattan suốt Thế chiến thứ hai và trở thành người phụ nữ thứ hai, sau Marie Curie, đoạt giải Nobel vật lý năm 1963.
Lise Meitner
Là một nhà vật lý hạt nhân thiên tài, Lise Meitner sinh ra ở Úc. Bà đã được "thọ giáo" hai nhà khoa học nổi tiếng Ludwig Boltzmann và Max Planck. Trong quá trình làm việc với Otto Hahn, bà đã phát hiện ra nguyên tố Plutoni (một nguyên tố hóa học hiếm, có tính phóng xạ cao).
Bà cũng góp phần trong nghiên cứu tìm ra sự phân hạch hạt nhân, và sau đó là chế tạo ra bom, mặc dù Lise không nhận thức được khía cạnh đen tối trong nghiên cứu của mình.
Lise đã từ chối giải Nobel được trao cho mình, nhưng thế giới vẫn ngưỡng mộ bà, và tên bà được đặt cho nguyên tố Meitneri.
Vân Mai