SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

VinFuture 2022: Chân dung nhà khoa học nữ giành Giải đặc biệt

16:15, 21/12/2022
(SHTT) - Tối 20/12, tại Hà Nội, Giải thưởng VinFuture 2022 vinh danh 4 công trình khoa học đột phá mang lại sự “Hồi sinh và Tái thiết” cho nhân loại.

 Theo Ban tổ chức, vượt qua 970 đề cử đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục, 4 công trình khoa học xuất sắc được vinh danh, đều thuộc các lĩnh vực đã và đang tác động hàng ngày tới đời sống của hàng tỷ người trên thế giới, gồm: công nghệ - y sinh học – nông nghiệp và môi trường. Điểm chung xuyên suốt nổi bật của tất cả các công trình là đã tạo ra sự “Hồi sinh và Tái thiết”, góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho nhân loại trong tương lai.

Cơ cấu giải thưởng VinFuture 2022 vẫn được giữ nguyên so với năm ngoái bao gồm 1 giải thưởng Chính (trị giá 3.000.000 USD) và 3 giải thưởng Đặc biệt (trị giá 500.000 USD/giải).

Một trong những điểm ấn tượng của Lễ trao giải VinFuture 2022, đó là Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ trị giá 500.000 USD được trao cho GS Pamela C. Ronald, Đại học California, Davis, Mỹ, cho nghiên cứu cơ bản của bà về các giống lúa có khả năng chịu ngập và tạo ra các giống lúa mới năng suất cao.

vinfuture 2

 

Công trình của GS Ronald tiên phong nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội, đặc biệt phù hợp với điều kiện trồng trọt ở Lào, Bangladesh, Ấn Độ và có thể được áp dụng thêm trong việc trồng lúa của các quốc gia khác. Đây là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa.

Năm 1996, David Mackill, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát hiện gene chịu lụt trong một giống lúa Ấn Độ có năng suất thấp, ông gửi cho Ronald. Bà thành công sao chép chính xác vùng gene Sub1 mã hóa cho 3 nhân tố điều hòa phiên mã các yếu tố quan trọng trong phản ứng miễn dịch thực vật với stress (các điều kiện khắc nghiệt), ethylene-responsive factor (ERF).

Bà cũng chứng minh một trong 3 nhân tố này là Sub1A (Submergeneece Tolerance Regulator) tăng đột biến khi phản ứng với việc ngập úng và giúp tạo được cây trồng biến đổi gene có khả năng chịu ngập kéo dài, đồng thời không ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất hay chất lượng hạt gạo.

Những khám phá cơ bản về gene lúa Sub1 liên quan tới việc điều hòa phản ứng miễn dịch ở lúa trong tình trạng ngập nước của Ronald đã giúp tạo ra các giống lúa biến đổi gene có tính chịu ngập vượt trội ở đem lại lợi ích khổng lồ cho toàn thế giới.

Hiện một số giống lúa Sub1A đã được phát triển và sử dụng ở 6 quốc gia Indonesia, Nepal, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, và Philippines. Chỉ riêng năm 2017, hơn 6 triệu nông dân ở Ấn Độ, Bangladesh và Nepal đã đưa giống gạo Sub1 vào trồng trọt.

Giáo sư đã có những chia sẻ khi nhận giải thưởng: "Tôi vinh dự và vui mừng nhận giải thưởng này. Xin cảm ơn các nhà khoa học đã đóng góp trong 50 năm qua khi giống lúa chống ngập lần đầu được nghiên cứu. Tôi biết ơn nhóm sinh viên đã làm việc trong phòng thí nghiệm với nhiệt huyết và sáng tạo. Đây là phần thưởng vinh danh tất cả. Tôi đứng đây vì có sự hướng dẫn của nhiều người. Tôi cảm ơn gia đình - nơi đã trao cho tôi tình yêu vô điều kiện và người bạn của tôi.

Giải thưởng VinFutue đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong nông nghiệp để giải quyết 1 trong những thách thức lớn nhất là làm sao nuôi sống lượng người càng gia tăng nhưng không ảnh hưởng tới môi trường. Với giống lúa kháng chịu biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, ta thấy nhiều người đang sống trong đói nghèo và hy vọng Giải thưởng sẽ thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học nữ. Khoa học cần phụ nữ và phụ nữ cần khoa học".

Được biết, Giáo sư Pamela Christine Ronald nhận bằng Tiến sĩ Sinh học phân tử và sinh lý thực vật tại Đại học California, Berkeley. Sau đó, bà tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về lai tạo giống cây trồng tại Đại học Cornell và là giảng viên Khoa Bệnh học thực vật của Đại học California, Davis vào năm 1992. Ở Đại học California, Berkeley, bà đã nghiên cứu tương tác giữa các vi khuẩn thực vật gây bệnh trong phòng thí nghiệm của Brian Staskawicz, một phòng thí nghiệm nổi tiếng quốc tế nghiên cứu về các bệnh trên cây hạt tiêu và cà chua. Bà chuyển sang nghiên cứu về gạo với hy vọng góp phần giúp đỡ các nước nghèo.

Trong những năm qua, Pamela Christine Ronald đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ cho khoa học về nông nghiệp bền vững. Phòng thí nghiệm của bà là nơi giúp phát triển các giống lúa có khả năng kháng bệnh và chịu được các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, và ngập mặn, ...

Ronald được vinh danh là Nhà đổi mới Địa lý Quốc gia và là một trong 50 nhà đổi mới của Grist, dẫn dắt sự phát triển bền vững. Bà đã nhận được Giải thưởng Khám phá của Viện Nghiên cứu Quốc gia USDA và Giải thưởng Công nghệ cho việc sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để mang lại lợi ích cho nhân loại. Bà được Thomson Reuters bình chọn một trong những bộ óc khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới về công nghệ sinh học do tạp chí Scientific American bình chọn.

Năm 2012, bà nhận được Giải thưởng Khoa học Quốc tế Louis Malassis về Nông nghiệp và Thực phẩm. Năm 2019, bà đã nhận được Giải thưởng Lãnh đạo của Hiệp hội các nhà sinh học thực vật Mỹ. Năm 2020, bà được Liên đoàn Hiệp hội Giáo dục Đại học Toàn cầu về Khoa học Đời sống và Nông nghiệp vinh danh trong Giải thưởng Nông nghiệp Thế giới. Năm 2022, Ronald được trao Giải thưởng Wolf về Nông nghiệp.

Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ và Viện Hàn lâm Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hoàng gia Thụy Điển.

Bà là đồng tác giả của "Bàn ăn của ngày mai: Canh tác hữu cơ, di truyền và tương lai của thực phẩm", được bình chọn là một trong 25 cuốn sách mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất với khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên để thay đổi thế giới. Bài phát biểu TED Talks của bà đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem.

Minh Tú

Tin khác

Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ).
Khoa học Công nghệ 14 giờ trước
(SHTT) - Ford đang triển khai chiến dịch triệu hồi hơn 450.000 chiếc Bronco Sport và Maverick. Nguyên nhân là do ắc quy 12-volt có thể đột ngột hết điện, nhất là trong lúc xe dừng đèn đỏ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Patlytics là một nền tảng phân tích bằng sáng chế được hỗ trợ bởi AI, nhằm giúp các doanh nghiệp, chuyên gia sở hữu trí tuệ và công ty luật tăng tốc quy trình làm việc liên quan đến bằng sáng chế.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Spotify không phải là công ty duy nhất thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo danh sách phát. Amazon vừa thông báo họ cũng sẽ làm điều tương tự, và hiện đang thử nghiệm một công cụ tạo danh sách phát AI - Maestro.