Việt Nam và nỗi trăn trở về tình trạng 'chảy máu chất xám'
Chảy máu chất xám (tiếng Anh: human capital flight hoặc brain drain) là thuật ngữ dùng để chỉ vấn đề di cư quy mô lớn của nguồn nhân lực có kiến thức và kĩ thuật từ một nước qua những nước khác. Mặc dù thuật ngữ ban đầu dùng để chỉ những công nhân kĩ thuật đi qua những nước khác, ý nghĩa của nó đã mở rộng thành: "sự ra đi của những người có kiến thức hoặc có chuyên môn từ một quốc gia, khu vực kinh tế, hoặc các lĩnh vực khác, vì điều kiện sống hoặc tiền lương tốt hơn".
Đây là một tình trạng rất đáng suy ngẫm tại Việt Nam. Trên thực tế, những người đi du học thích một môi trường làm việc văn minh với công nghệ hiện đại, phong cách làm việc thoải mái và chú trọng vào chất lượng hơn là các quy định ngặt nghèo về đồng phục, thời gian làm việc cũng như các thủ tục hành chính vất vả. Nếu trở về Việt Nam, người ta cũng có cơ hội làm việc tại các công ty dù lớn đến mấy nhưng vẫn có những bất cập, vấn đề xung đột tư tưởng, khó làm việc lâu dài. Thêm nữa, các mức lương ở nước ngoài dĩ nhiên hấp dẫn hơn nhiều so với ở trong nước. Họ ở lại, và sau khi ổn định công việc thì sẽ đón cả gia đình sang nước ngoài sinh sống.

Việt Nam và nỗi trăn trở về tình trạng 'chảy máu chất xám'
Không chỉ vậy, riêng ở Việt Nam, giá trị tài sản vô hình của nhân lực nghiên cứu khoa học chưa được tính đến trong các chính sách khoa học và công nghệ nói chung và chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng. Toàn bộ hệ thống lương và các loại định mức cho việc thực hiện các công trình khoa học, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều được ước lượng từ công lao động của nhân lực làm trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp. Chính vì vậy, hiện tượng chảy máu chất xám ra nước ngoài và chuyển sang lĩnh vực cho các doanh nghiệp nước ngoài, sang các lĩnh vực dịch vụ khác tại Việt Nam trong những năm qua là rất đáng suy ngẫm đối với các nhà quản lý nhà nước.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nguyên Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: "Lao động sáng tạo của nhân lực trí thức, của các nhà quản lý chính là lao động tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi trọng yếu tố nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao; kèm theo đó là các chính sách thu hút và trọng dụng nhân lực trình độ cao được ban hành và thực hiện nhất quán, bất kể nhân lực trình độ cao ấy được sinh ra, lớn lên và đào tạo ở đâu, miễn là có tri thức thực sự. Đặc điểm quan trọng nhất của những chính sách này là tài sản vô hình của nhân lực trình độ cao, của nhân lực nghiên cứu khoa học được tính đến, được đánh giá và được đối xử một cách bền vững và xứng đáng nhất".
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
