SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện

10:16, 26/07/2013
Ngày 25-7, Hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã diễn ra tại Nhà Trắng. Tổng thống Obama khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và vai trò của Việt Nam tại khu vực, mong muốn quan hệ giữa 2 nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Obama khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tổng thể chiến lược chung của Hoa Kỳ, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình cũng như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực; mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng như các đối tác khác của Mỹ tại Đông Bắc Á…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ 2 nước thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng cho quan hệ bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở đó, 2 nhà lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa - thể thao - du lịch...

Hai nhà lãnh đạo tin tưởng Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích 2 nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa 2 bộ trưởng ngoại giao. Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng và động lực của Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.

Tổng thống Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thông qua khuôn khổ Hội đồng TIFA, cũng như Sáng kiến Tăng cường liên kết kinh tế ASEAN (E3) và APEC; ghi nhận quan tâm của Việt Nam về việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như giáo dục, quốc phòng - an ninh, hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh… cũng như tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như APEC, ARF, EAS, ADMM+...

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên biển Đông.

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa 2 nước. Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư Hồ Chủ tịch gửi Tổng thống Truman ngày 16-2-1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời Tổng thống Obama và phu nhân thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp và Tổng thống Obama đã vui vẻ nhận lời.

Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Chủ tịch nước cho biết, sự hợp tác của 2 nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của 2 nước cũng như ở khu vực ASEAN và toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề biển Đông đã được bàn bạc một cách thấu đáo trong cuộc hội đàm. Theo đó, Việt Nam cảm ơn sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và các thành viên ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, DOC tiến tới COC và cam kết đảm bảo tự do hàng hải trên biển Đông.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Chiều cùng ngày, tại Thượng viện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ (TNS) Patrick Leahy. Chủ tịch nước mong muốn TNS Leahy tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ 2 nước trong thời gian tới, như ủng hộ việc thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa hai quốc hội, tái lập nhóm nghị sĩ vì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ủng hộ Việt Nam trong đàm phán TPP, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, loại bỏ các biện pháp cản trở thương mại hai nước, trong đó có chương trình giám sát cá da trơn mới theo Đạo luật Nông trại 2013, bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, không thông qua các dự luật, nghị quyết không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.

TNS Leahy cho biết, Thượng viện Hoa Kỳ rất quan tâm tới tình hình khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ủng hộ chính sách tái cân bằng của Chính phủ Tổng thống Obama, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang nổi lên ở khu vực, ủng hộ vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế; hoan nghênh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ từ 2014 và sẽ sớm tham gia Công ước chống tra tấn. TNS Leahy tái khẳng định Thượng viện Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực hay các biện pháp cưỡng ép trong giải quyết các tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Nhà nước ta đã tham dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry chủ trì. Trong phát biểu chào mừng, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Chính phủ Mỹ coi trọng và mong muốn quan hệ 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới thông qua các cơ chế hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Phát biểu tại buổi tiệc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh với những thành quả đạt được sau 18 năm bình thường hóa quan hệ, 2 nước đã tạo dựng được nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển thực chất và đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp các nghị sĩ 2 viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. Tại các cuộc gặp, các nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ trong chính sách đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển lên tầm mức cao hơn. Các nghị sĩ chia sẻ quan tâm về một số vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh hàng hải ở biển Đông; đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN và Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán chính thức về Bộ luật ứng xử ở biển Đông (COC).

Cũng trong chiều 24-7 (giờ địa phương), trong các cuộc gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục dành cho Việt Nam vốn vay ưu đãi ODA, hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế tăng cường tư vấn chính sách, ủng hộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Tối cùng ngày, Chủ tịch nước đã tham dự tọa đàm bàn tròn và chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.

“Các bạn hãy chọn Việt Nam, mở rộng hơn nữa kinh doanh và đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực..., góp phần đưa Việt Nam tham gia vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi xin khẳng định, cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho các bạn kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khuôn khổ pháp lý, chính sách… để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 24-7, tại Washington D.C đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa đại diện của cựu chiến binh 2 nước.

Các đại diện cựu chiến binh Mỹ đều đồng tình với những ý kiến của phía Việt Nam, cho biết sẽ phát động phong trào trao trả hiện vật chiến tranh, khuyến khích các doanh nghiệp cựu chiến binh Mỹ tham gia hợp tác làm ăn với phía Việt Nam.

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.