Việt Nam ủng hộ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về thể thao và phát triển bền vững
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu, bao gồm 50 lãnh đạo quốc gia và đại diện các Chính phủ. Hội nghị được tổ chức tại Bảo tàng Louvre, Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Pháp Macron khẳng định: "Sự hiệp lực trong hành động của chúng ta và mọi thứ chúng ta có thể làm cùng với phong trào thể thao là điều hoàn toàn cần thiết".
Tổng thống Macron cũng nhận định: “Thế vận hội là cách để làm sáng tỏ những gì chúng ta đang làm và khởi động các sáng kiến mới, đồng thời cảm ơn tất cả các khoản đóng góp đã được huy động cho các châu lục: châu Phi, châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương. Và tôi cảm ơn các bạn vì sự tham gia hàng ngày theo hướng này."
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí về các cam kết trong các lĩnh vực giáo dục và việc làm, sức khỏe và dinh dưỡng, bình đẳng, hòa nhập và bền vững, cùng nhiều chủ đề khác trên cơ sở Thoả thuận Paris về thể thao và phát triển vững.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi phát biểu. Thủ tướng khẳng định: “Cùng với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về thể thao và phát triển bền vững phù hợp với năng lực, nguồn lực, pháp luật và mục tiêu phát triển của Việt Nam".
Trong những năm qua, định hướng phát triển của thể thao luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước. Những chính sách, chiến lược ngắn hạn, dài hạn được triển khai đồng bộ đã mang về nhiều thành tựu quan trọng, giúp thể thao Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Gần đây nhất, Bộ VHTTDL đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới, vững chắc hơn cho Thể thao Việt Nam cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
PV