Việt Nam công bố cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình toàn cầu đến 2030
Theo thống kê, hiện nay, 49,3% phụ nữ tại Việt Nam đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình – tức những phụ nữ muốn tránh thai nhưng chưa tiếp cận được biện pháp phù hợp – vẫn ở mức 13,5%. Con số này còn cao hơn ở một số nhóm dân số cụ thể, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu vùng xa với tỷ lệ 17,7%. Điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhóm đối tượng trọng yếu.
Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình 2030 (FP2030) của Việt Nam nhằm giải quyết trực tiếp những bất bình đẳng này thông qua việc mở rộng tiếp cận tại các vùng nông thôn và cộng đồng dân tộc thiểu số, phát triển các dịch vụ thân thiện với thanh niên phù hợp với thời gian tiếp cận của họ, và đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ mà không bị kỳ thị và phán xét. Cam kết này cũng đánh dấu một bước tiến lịch sử trong vai trò tiên phong lâu dài của Việt Nam về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền.

Phát biểu tại sự kiện công bố cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình 2030 hôm 9/6, Thứ trưởng thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế trong nước cũng như trên thế giới. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó đề ra mục tiêu “Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn”. Có thể thấy, kế hoạch hoá gia đình tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc tham gia các thỏa thuận quốc tế, trong đó có cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình 2030 (FP2030) là một trong những hoạt động giúp Chính phủ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng, để triển khai có hiệu quả cam kết, Việt Nam sẽ triển khai toàn diện các mục tiêu: Giảm có thai ngoài ý muốn ở thanh niên vị thành niên; Tăng cường chất lượng và tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại bao gồm các biện pháp lâm sàng và phi lâm sàng; Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình; Bảo đảm nguồn lực để cung ứng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cho biết, lễ công bố Cam kết quốc gia tham gia chương trình kế hoạch hóa gia đình toàn cầu đến năm 2030 (FP2030) thể hiện thông điệp mạnh mẽ, đó là sức khỏe sinh sản và quyền được lựa chọn là trọng tâm trong tầm nhìn phát triển công bằng, bao trùm và bền vững của Việt Nam.
Các bằng chứng quốc tế cho thấy, nếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn sẽ giảm 71%, tỷ lệ phá thai sẽ giảm 70% và tỷ lệ tử vong mẹ sẽ giảm tương ứng.
Kế hoạch hóa gia đình là nền tảng để đạt được bình đẳng giới, giảm nghèo và phát triển bền vững. Cam kết này tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc đặt con người – đặc biệt là thanh niên – vào trung tâm của tiến trình phát triển quốc gia, với mục tiêu giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình vào năm 2030.
Cam kết quốc gia về kế hoạch hoá gia đình toàn cầu đến 2030 của Việt Nam gồm: tăng cường tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm có thai ngoài ý muốn ở thanh niên vị thành niên; tăng cường chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; tăng cường cung cấp biện pháp tránh thai phi lâm sàng; tăng cường cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình lâm sàng tại các tuyến xã và huyện; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hoá gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai.
TH
TIN LIÊN QUAN
-
Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
-
Cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức
-
Tăng cường quản lý rủi ro tài sản số và AI: Đề xuất cấp bách từ Chủ tịch Quốc hội
-
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - Địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe trẻ em trong và ngoài nước
Tin khác
