Việt Nam có thêm di sản văn hóa phi vật thể thứ 16
Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra vào tối ngày 4/12 (giờ Việt Nam) tại Trung tâm Hội nghị Conmebol, Thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO đã chính thức ghi danh di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh này.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27/4 âm lịch trong Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người Khmer, Hoa, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng việc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam, đồng thời sự công nhận này có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003, Việt Nam cam kết luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cũng như các di sản văn hoá khác để trao truyền cho các thế hệ tương lai.
Thay mặt địa phương sở hữu di sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ niềm xúc động và vinh dự khi Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh; gửi lời cảm ơn đến UNESCO, Ban Thư ký Công ước, các cơ quan thẩm định và các thành viên ủy ban vì sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu; khẳng định sẽ lan toả niềm vui và niềm tự hào này đến cộng đồng của tỉnh An Giang và cam kết sẽ cùng cộng đồng bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hoá này, bảo đảm gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.
Trước đó, 15 Di sản Việt khác đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bao gồm: Nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Quỳnh Trang