Việt Nam chi 12,1 triệu USD nhập khẩu sầu riêng
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam riêng tháng 11 năm 2024, Việt Nam chi 3 triệu USD nhập khẩu sầu riêng, cao gấp 11 lần so với cùng kỳ 2023.
Nguồn cung nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Malaysia. Trong đó, Thái Lan xuất khẩu các loại sầu riêng "mini" có trọng lượng nhỏ, nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình. Còn Malaysia nổi bật với sầu riêng Musang King đông lạnh - loại cao cấp được người tiêu dùng Việt đánh giá cao về chất lượng. Dòng sản phẩm này chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng thu nhập cao và thường được dùng để chế biến các loại bánh trung thu, bánh Tết.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Musang King đông lạnh của Malaysia vẫn giữ vững vị thế nhờ chất lượng vượt trội, trong khi các nhà vườn tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc trồng giống này do điều kiện thời tiết và kỹ thuật chưa phù hợp. Nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng các loại sầu riêng khác để đạt hiệu quả tốt hơn.
Sự gia tăng nhập khẩu trong khi nước ta là một trong những nước xuất khẩu mặt hàng này đứng đầu thị trường là chuyện xuất nhập bình thường không riêng Việt Nam, mà các nước cũng như thế. Chẳng hạn, Trung Quốc cũng trồng được xoài, thanh long, nhãn, vải, nhưng vẫn nhập khẩu mạnh từ các nước. Hay Thái Lan cũng xuất khẩu sầu riêng top đầu thế giới, nhưng vẫn mua sầu riêng Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm trước. Đây là bước tiến ngoạn mục khi sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Dòng chảy thương mại hai chiều này vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, vừa tạo động lực để ngành sầu riêng Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
TH