Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác khoa học công nghệ trong kỷ nguyên mới
Trung Quốc - Cường quốc khoa học công nghệ vươn lên mạnh mẽ
Sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ một nước đi sau, Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc khoa học công nghệ, đứng thứ 3 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và dẫn đầu về số lượng bằng phát minh sáng chế. Đặc biệt, Trung Quốc liên tục gây tiếng vang với những thành tựu công nghệ đột phá trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, robot tự động, chip bán dẫn và công nghệ vũ trụ. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, chỉ trong hơn 40 năm, Trung Quốc đã đi một chặng đường mà nhiều quốc gia khác phải mất đến hơn 2 thế kỷ.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc: Tiềm năng to lớn và kỳ vọng sâu sắc
Việt Nam luôn xác định khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, và tránh nguy cơ tụt hậu. Việt Nam mong muốn phát huy lợi thế về nguồn lao động chất lượng cao, cơ chế chính sách thu hút đầu tư và thị trường R&D tiềm năng để tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất và cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định tiềm năng hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là vô cùng lớn. Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ vốn để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển phồn vinh của cả hai dân tộc.
Thành công của Trung Quốc được đánh giá là động lực mạnh mẽ, mang lại cơ hội phát triển mới cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác khoa học công nghệ ở nhiều cấp độ và lĩnh vực.
3 năm qua, Viện Khoa học vật liệu hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, phát triển 2 mũi nhọn công nghệ là pin lithium và pin hydro. Nếu pin lithium ứng dụng phổ biến cho điện thoại, máy tính, xe điện thì pin nhiên liệu hydro hoàn toàn không phát thải trong quá trình sử dụng. Việt Nam có thêm cơ hội đào tạo đội ngũ chuyên gia, từng bước làm chủ công nghệ tích trữ, điện phân, chế tạo pin, từ công suất suất nhỏ 1KW lên tới 1MW.
18 năm qua, đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã hợp tác với một số đại học của Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Nam Kinh, công bố mô hình mới như hệ thống cảm biến cảnh báo nguy cơ cháy nổ khí hiếm trong hầm lò. Doanh nghiệp trong trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Hai bên hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và sẽ đào tạo cử nhân Tiếng Trung lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong năm học mới.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới vào năm 2030 và siêu cường về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào năm 2050, với khu vực tư nhân đóng góp hơn 70% thành tựu.
Vì vậy việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo đột phá cho phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên mới.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
